Linh thiêng kinh lá buông của đồng bào Khmer

Thời xưa, do điều kiện thiếu thốn, không có nhiều giấy nên việc viết chữ trên lá của các loài cây rất phổ biến ở Nam bộ. Điển hình việc viết lên lá cây buông để lưu giữ kinh kệ và truyền đạo của các nhà sư phật giáo Khmer. Theo các nhà sư, kinh viết trên lá buông là loại thư tịch cổ, quý hiếm, ghi chép bằng chữ Pali hoặc chữ Khmer cổ, thường được các vị cao tăng thực hiện. Tuy nhiên, qua năm tháng, số lượng kinh lá buông còn lưu giữ được khá ít, người chép kinh được trên lá buông cũng chỉ còn vài người.

Theo lão hoà thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So, kinh lá buông không chỉ là kỹ thuật chế tác mang giá trị về văn hoá mà còn là báu vật linh thiêng của đồng bào Khmer Nam bộ. Chúng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh và được gìn giữ cẩn thận trong các chùa của đồng bào Khmer.

Kỹ thuật viết kinh trên lá cây buông rất công phu, đòi hỏi người thực hiện phải có sự tỉ mỉ và kinh nghiệm mới có thể chế tác ra được một bộ kinh lá buông hoàn chỉnh. Hiện nay, lá cây buông không có nhiều. Ngoài ra, các vị cao tăng chế tác kinh lá buông trong cộng đồng Khmer Nam Bộ đều đã tuổi cao, sức yếu; trường hợp của lão hoà thượng Chau Ty là một thí dụ điển hình.

Hiện nay, hầu hết kinh lá buông được gìn giữ, bảo quản tại các chùa với phương thức đơn giản nên rất dễ bị hư hại trước tác động của thời gian & môi trường. Trước những nguy cơ bị mai một, đồng bào Khmer mong muốn có những giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của kinh lá buông, một kho tàng tri thức dân gian của người Khmer Nam bộ.

Kinh lá buông là di sản thành văn đầu tiên của Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa "Tri thức và kỹ thuật viết chữ kinh lá buông của người Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên" vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Trung Hiếu