• 1539 lượt xem
  • 21:50 13/07/2022
  • Kinh tế

Luật Đối tác công tư còn mờ nhạt, không bao quát thực tiễn phát sinh

Sáng 13/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật Đối tác công tư (Luật PPP)".

Dù Luật Đối tác công tư được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả, nhất là tận dụng khả năng quản trị linh hoạt của kinh tế tư nhân, thế nhưng theo các đại biểu, hình thức đầu tư này vẫn còn nhiều “nút thắt”  về chính sách cần sớm được tháo gỡ. 

Giao thông là lĩnh vực hút rất nhiều nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong tổng số khoảng 300 dự án đầu tư theo hình thức này thì có đến 2/3 là lĩnh vực giao thông, đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc từ chính sách đã phát sinh trong quá trình triển khai các dự án. Hiện, trong số 72 dự án ngành giao thông đang quản lý thì  2/3 dự án phải dừng triển khai từ năm 2017; 12 dự án không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không đàm phán được hợp đồng.

Theo các đại biểu, bên cạnh việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm, DN khó tiếp cận tín dụng thì các quy định về chính sách rất vướng. Luật về đối tác công tư còn mờ nhạt, đơn giản, không đủ để điều chỉnh rất nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Việc điều chỉnh giá không chỉ căn cứ vào hợp đồng giữa các nhà đầu tư mà còn phải phù hợp với chủ trương chính sách - một yếu tố định tính, rất khó xác định, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro từ tín dụng, tính thanh khoản. Điều này dẫn đến hệ quả nhiều DN phải quay trở lại cơ chế đầu tư công, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn như trước đây.

Do vậy theo các đại biểu cần phải sửa đổi bổ sung luật giá, phân loại tốt hơn theo dự án cũng như có chính sách giám sát doanh thu để giảm rủi ro tín dụng cho các khách hàng đã có nợ xấu từ các dự án BOT trước đó. 

Đào Nghĩa