Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở phải lấy người dân làm trung tâm

Tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội tiến hành xem xét và thông qua Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Đây là một dự án luật khó, đối tượng tác động rộng và đa dạng nhưng lại là một dự án luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức sâu sắc và liên quan trực tiếp đến quyền của người dân.

Là một cử tri, cũng là cán bộ Mặt trận ở cơ sở, ông Thanh bày tỏ phấn khởi khi biết pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở được nâng lên thành luật và sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này. Từ thực tế công tác, điều ông mong muốn nhất ở dự thảo Luật là có thể làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ông BÙI NGỌC THANH - Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: "Bây giờ chính quyền cơ sở đặc biệt cấp phường là không còn Hội đồng nhân dân thì việc đưa dân chủ về cơ sở, thực hiện dân chủ cơ sở rất quan trọng đối với mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên mà quan trọng, nhất là vấn đề công khai minh bạch phát động nhân dân giám sát kiểm tra hoặc chế độ của người dân có được thụ hưởng không thì phải giám sát xem người dân có được thụ hưởng hay không, đó là biết dân bàn dân làm chân kiểm tra là ở chỗ đó, yêu cầu phối hợp của các tổ chức này phải nêu cao trách nhiệm hơn phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn thì mới làm được."

Tiếp dân, đối thoại, lấy ý kiến cử tri nhân dân là những hoạt động thể hiện rõ nhất quy chế dân chủ cơ sở; Qua đó tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt các quy định về thực hành dân chủ ở cơ sở. Do đó cử tri mong muốn khi có luật, các hoạt động này sẽ được quan tâm tổ chức thường xuyên, bài bản và hiệu quả hơn.

Ông NGÔ VĂN LŨY - Phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: "Ở cơ sở mỗi năm quản lý nhà nước phải đối thoại với người dân như thế nào phải có quy định cụ thể một năm mấy lần hoặc có những sự kiện quan trọng hoặc những nhiệm vụ đột xuất thì quan hệ của chính quyền đối với người dân là phải thực hiện một cách nghiêm túc bài bản. Sau khi có Luật xong phải có nghị định hướng dẫn rất chi tiết để cho người dân biết được quyền của người dân và bản thân của các cơ quan quản lý nhà nước cũng biết được quyền nghĩa vụ của mình phải làm gì trước những công việc nhiệm vụ chính trị quan trọng ở địa phương.
Thực tế cho thấy việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua vẫn còn hình thức, có nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập. Để phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ, cử tri cho rằng trước hết cần cụ thể việc công khai thông tin để dân biết, cũng như quy định rõ trách nhiệm công khai này."

Ông PHẠM XUÂN QUANG - Phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: "Đã là dân chủ cơ sở thì mọi thông tin là người dân phải nắm, phải biết chứ nếu dân chủ chỉ có một bộ phận nào đó thì tôi nghĩ nó chưa tóat lên cái ý nghĩa của dân chủ và công khai như thế nào đối với một cơ sở nhỏ thôi tôi chưa nói đến tầm chiến lược nhà nước vĩ mô, nhưng với tinh thần đó thì tôi nghĩ muốn dân chủ cơ sở thì chúng ta phải xây dựng các văn bản sau Luật để làm thế nào đến được người dân để mọi người đều được phổ biến nắm được hiểu được và có ý kiến."

Đến thời điểm này dự thảo Luật đã thể hiện được quan điểm khá đầy đủ về dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đặc biệt là phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cũng vì thế càng tạo niềm tin cho cử tri về việc hiện công tác dân chủ cơ sở khi có Luật được nghiêm túc hơn; Ttếng nói, ý kiến, nguyện vọng được coi trọng hơn.

Như Thảo