Lường trước các rủi ro, khiếu kiện khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Không thể phủ nhận việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu giúp Việt Nam tăng thu ngân sách cũng như giảm trốn thuế, chuyển giá. Tuy nhiên, ngay cả khi Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn thuế toàn cầu này được thông qua, nhiều đại biểu cũng lo ngại cần phải tính toán kỹ để có các phương án cụ thể để ứng phó với các rủi ro khiếu kiện từ các nhà đầu tư nước ngoài khi ưu đãi họ được hưởng không còn được như với cam kết trước đó.

Đây là điều 13 của Luật đầu tư năm 2020. Điều khoản này để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp thay đổi pháp luật. Cụ thể, nếu có văn bản pháp luật mới được ban hành mà mức ưu đãi thấp hơn, thì các nhà đầu tư sẽ được phép tiếp tục áp dụng theo quy định cũ trong thời gian nhất định. Nhiều đại biểu lo ngại, điều 13 của Luật đầu tư đang “va chạm” với dự thảo nghị quyết này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh, cần lường trước những vấn đề liên quan đến khiếu kiện về sau. Đặc biệt nếu cần giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh thì sẽ áp dụng theo Luật trong nước hay Luật quốc tế.

Giải trình về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, các cơ quan Chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế để chuẩn bị trước các tình huống phát sinh.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, tất cả các đại biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải sớm ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị phải có chính sách đầu tư ưu đãi song hành hợp lý để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút đầu tư mới. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam