Một số Chủ tịch Uỷ ban nhân dân chưa nghiêm túc chấp hành trong quá trình giải quyết vụ án hành chính

Chiều 29/7, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với các cơ quan Trung ương về kết quả giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân”. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Qua các báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, các Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện trên tổng số Quyết định hành chính, hành vi hành chính không nhiều. Trong 3 năm, 2019-2021, cả nước có hơn 21.000 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân bị khởi kiện, chiếm 9% tổng số khiếu nại hành chính. 

Tuy nhiên, so với giai đoạn trước, 2015-2017, tình hình khiếu kiện hành chính trong 3 năm gần đây tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số lượng khiếu kiện hành chính tăng, số Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ vì trái pháp luật tăng (trên cả nước có hơn 1.900 Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên huỷ toàn bộ hoặc một phần vì trái pháp luật, chiếm tỷ lệ 9% tổng số vụ thụ lý). Địa bàn khiếu kiện vẫn tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển nhanh và hầu hết liên quan đến lĩnh vực đất đai. Việc tham gia tố tụng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc người được uỷ quyền chưa thực hiện nghiêm túc ở một số địa phương. Còn khá phổ biến việc Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đúng thời hạn yêu cầu của Toà án nhân dân, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho người dân khởi kiện.

Bà NGUYỄN THỊ THUỶ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: “Một số người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong một số vụ việc còn chưa xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan nội dung, bản chất của vụ việc và các quy định pháp luật dẫn đến ban hành các quyết định hành chính, thực hiện các hành vi hành chính trái pháp luật; khi phát sinh khiếu nại của người dân thì chưa xem xét thấu đáo vụ việc để kịp thời khắc phục; khi người dân khiếu kiện đến Toà án, phát sinh thủ tục tố tụng thì không thực hiện nghiêm túc điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, cụ thể là không tham gia đối thoại, không tham gia phiên toà; khi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật thì lại không chấp hành án.” 

Tổng số bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân là người phải thi hành là 1.605 bản án, quyết định; đã thi hành xong 1.116 bản án, quyết định, trong đó có 894 bản án được tự nguyện thi hành. Số lượng bản án hành chính chưa được thi hành còn nhiều (489 bản án), đáng lưu ý, một số địa phương tỷ lệ thi hành án rất thấp như Thành phố Hà Nội 18,2%, Đồng Nai 36%. 

Quang Anh