Một tháng sau đảo chính Niger

Hôm nay 26/8 là tròn một tháng sau cuộc chính biến lật đổ chế độ cầm quyền làm chấn động Niger và cả châu Phi. Một tháng trôi qua với nhiều diễn biến khó lường, cuộc đảo chính đang đặt ra nhiều thách thức cho chính đất nước này và cả khu vực.

CUỘC ĐẢO CHÍNH LẦN THỨ 5

Ngày 26/7, đất nước Niger rúng động với cuộc đảo chính lần thứ 5 kể từ khi giành độc lập năm 1960. Tổng thống Mohamed Bazoum, người nắm quyền năm 2021 bị quân đội phế truất. 

Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và nhiều nước phương Tây đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Trong đó có tối hậu thư cùng lời đe dọa sử dụng biện pháp can thiệp quân sự.

Thế nhưng, trái ngược với phản ứng giận dữ của các nước láng giềng, người dân Niger lại bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra. Thậm chí, trước nguy cơ ECOWAS có thể can thiệp quân sự, hàng nghìn thanh niên nước này đã đăng ky gia nhập lực lượng cứu quốc, sẵn sàng cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. 5619 - Chính vì sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong nước đã tiếp thêm động lực và quyết tâm để chính quyền quân sự Niger không khuất phục trước lời đe dọa tấn công từ ECOWAS cũng như sức ép từ phương Tây.

NHIỀU THÁCH THỨC LỚN 

Đây là cuộc đảo chính quân sự thứ 7 liên tiếp tại khu vực Tây Phi chỉ trong 3 năm qua. Trước những diễn biến hiện tại và sau cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa chính quyền quân sự Niger và ECOWAS ngày 20/8, đến nay khả năng can thiệt quân sự đã bị thu hẹp. Điều này có nghĩa là trong bước đi tiếp theo, các bên sẽ theo đuổi các cuộc đối thoại xoay quanh tiến trình chuyển giao quyền lực tại Niger.

Trong tiến trình này, thách thức đặt ra với các bên là rất lớn.

Với ECOWAS, khó khăn lớn nhất là làm sao có thể gây sức ép hay thuyết phục chính quyền quân sự Niger để đạt được một kết quả có tính chất “giữ thể diện” cho khối này sau khi đã đưa quá nhiều tuyên bố cứng rắn liên quan đến cuộc khủng hoảng.

Với chính quyền quân sự Niger, Tướng Tiani và phe đảo chính phải đương đầu và xử lý cùng lúc hàng loạt nan đề cả về đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, phải thuyết phục được cộng đồng quốc tế chấp nhận một lộ trình chuyển giao quyền lực khả thi với đầy đủ cam kết, để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, tiếp nhận lại viện trợ và hội nhập trở lại với thế giới.

Về đối nội, khó khăn lớn nhất không chỉ là việc lập nên một chính quyền dân sự mới, mà là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế đất nước đang kiệt quệ và khôi phục an ninh tại nhiều vùng lãnh thổ.

Một tương lai với nhiều biến động phức tạp khó lường đang ở phía trước đất nước Niger, nếu họ không thể vượt qua được những thách thức này.