Nâng cao chất lượng giáo dục đại học: Tập trung vào ngành mũi nhọn thay vì đào tạo "dàn hàng ngang"

"Trường đại học Bách khoa Hà Nội là trường lớn, với nhiều ngành nhiều nghề, nhiều lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Nhưng phát triển không thể cứ dàn hàng ngang, mà cần xác định rõ vị thế của mình ở đâu, ngành nghề nào là mũi nhọn". Đây là nhấn mạnh của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại tọa đàm "Chất lượng giáo dục đại học" sáng 30/09.

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đào tạo chuyên ngành hàng đầu về công nghệ điện tử, cơ khí. Tuy nhiên, ngành cơ khí hiện nay theo đánh giá mới chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu trong nước. Trong khi đó, theo dự báo đến năm 2030, doanh thu về lĩnh vực cơ khí có thể đạt 239 tỷ USD, cho nên nhu cầu nhân lực rất lớn. Có điều, sức hút với xã hội của ngành này lâu nay rất thấp.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, cần phải nhìn thấy sự thay đổi lớn của đất nước thời gian qua, những thành tựu đó có phần đóng góp quan trọng của nguồn nhân lực khoa học - công nghệ.

Bối cảnh mới đang đặt ra những thách thức mới đối với các cơ sở đào tạo kỹ thuật công nghệ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, mặc dù là trường tốp đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng thuộc khối ngành kỹ thuật công nghệ, nhiều ngành nhiều nghề, nhiều lĩnh vực đào tạo nghiên cứu, song Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng không thể dàn hàng ngang, mang tất cả các ngành cùng tiến nhanh tiến mạnh, mà cần xác định vị thế của mình, xác định ngành nghề nào là mũi nhọn.

Bên cạnh những thành tích đạt được, theo ông Vinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cần có các giải pháp như: Đổi mới, xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao; Đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất, chi phí cho nghiên cứu khoa học, đào tạo... Tăng cường các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, sau đại học.

 

Hồng Dũng