Nghị quyết và cuộc sống: Quy định 114 kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực trong công tác cán bộ

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký (11/7/2023), thay thế Quy định số 205 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Thực trạng “cài cắm” người nhà , “cả họ làm quan”, hay câu chuyện “quan hệ”, “ tiền tệ” đã tồn tại nhiều năm gây mất uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.

Thực tế, có không ít “hạt giống đỏ” bị “chín ép”, được "nâng đỡ không trong sáng” trở thành những bức xúc, bất bình trong xã hội.

Không phải lần đầu tiên Đảng chỉ mặt, vạch tên những hành vi chạy chức, chạy quyền, thế nhưng việc ban hành quy định 114 một lần nữa thể hiện một quyết tâm chính trị, một tuyên ngôn về công tác cán bộ của Bộ Chính trị trong tình hình mới.

Để tránh những trường hợp tương tự có thể tái diễn ở bất kỳ địa phương, cơ quan, đơn vị nào, trong quy định mà Bộ Chính trị vừa ban hành nêu rõ: Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Bích Liên