Nghiên cứu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Một trong những cách thức nhằm điều chỉnh, hạn chế hành vi của người dân khi sử dụng sản phẩm đồ uống có đường chính là áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là quan điểm đồng nhất của nhiều đại biểu, chuyên gia khi tham dự Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường” do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 15/7 tại Quảng Ninh.

Theo các chuyên gia, ngoài rượu và bia, hiện nay trên thị trường còn có những loại đồ uống có nồng độ cồn nhẹ như nước hoa quả lên men và nhiều loại đồ uống khác chứa thành phần có hại cho sức khỏe như đường và các chất kích thích, nhưng chưa bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, tại hầu hết các quốc gia châu Âu, những đồ uống này bị áp thuế với mức khá cao.

TS. HOÀNG THỊ MỸ HẠNH, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế: “Với cũng bối cảnh Việt Nam chúng ta cũng sẽ có lộ trình nhất định để tăng giá bán lẻ đồ uống có đường bởi khi giá tăng thì lượng tiêu dùng sẽ giảm, tôi cũng mong chúng ta sẽ chọn được phương thức đánh thuế phù hợp, không ảnh hưởng đến nhiều đến ngành công nghiệp.”

Ông ĐÀO THẾ SƠN, Trường đại học Thương mại: “Chúng ta cần tăng giá bán lẻ hiện nay lên tối thiểu là 10% tối ưu 20%, nên bô sung đồ uống có đường này vào các mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, vì đây là sản phẩm có hại nếu lạm dụng nó. Ngoài ra việc áp dụng mức thuế như thế nào cũng quan trọng, khuyến cáo nên áp dụng thuế tuyệt đối theo lượng lít hoặc theo hàm lượng đường có trong đồ uống.” 

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, ngoài áp thuế thì hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với giới trẻ và giáo dục nâng cao nhận thức người dân chính là chìa khóa quan trọng giúp giảm mức dung nạp đường, chặn đứng đại dịch béo phì, đái tháo đường và các tác hại khác của đồ uống này.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hải Dương: “Việc quan trọng là chúng ta phải thay đổi thói quen tiêu dùng và nhận thức của người dân. Khi sử dụng đồ uống có đồ uống có đường tràn lan tôi đánh giá nó còn nguy hại hơn đồ uống có cồn, vì tác hại đồ uống có cồn nhìn thây ngay, và chúng ta đã có quy đinh cụ thể độ tuổi cho đồ uống có cồn, nhưng đồ uống có đường thì không và đó là đồ uống rất yêu thích của mọi lưa tuổi từ trẻ em trở đi.”

Ý kiến góp ý của các đại biểu và chuyên gia tham dự Hội thảo là cơ sở quan trọng giúp Uỷ ban Xã hội có thêm công cụ trong công tác xây dựng, hoạch định chính sách và giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường trong thời gian tới.

Như Thảo