Người trẻ và khát vọng đưa gốm Bát Tràng vươn xa

Nói đến làng nghề truyền thống không thể bỏ qua cái tên làng gốm Bát Tràng, trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng gốm Bát Tràng vẫn giữ cho mình nét văn hóa độc đáo. Hiện nay những thế hệ trẻ của làng gốm Bát Tràng có chung khát vọng thổi hồn đương đại vào gốm sứ mà không làm mất đi giá trị văn hóa làng nghề. Và chúng tôi muốn nói tới một người trong số họ.

Nhiều năm qua, với niềm say mê hoài cổ, nghệ nhân Trần Anh Tú đã miệt mài sáng tạo nên nhiều tác phẩm độc đáo. Năm nay, nhân dịp Tết Giáp Thìn, Tú cho ra mắt sản phẩm gốm: Long mã cõng hà đồ. Dưới sự tìm tòi, sáng tạo của nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú, đất sét Bát Tràng đã được nhào nặn thành những biểu tượng rồng cho năm mới Giáp Thìn. Đằng sau mỗi sản phẩm là những "mật mã văn hóa" nhiều tầng ý nghĩa. Long mã tượng trưng cho sự uy nghi hùng dũng, sự tiến hóa vạn vật, biểu hiện của một vũ trụ vận động không ngừng.

Trong nghệ thuật trang trí, hình ảnh long mã luôn gắn liền ước vọng về một thế giới an lạc, thái bình và thịnh vượng. Quá trình tạo nên sản phẩm gốm tuân thủ các bước khó khăn và hết sức chặt chẽ. Để tạo nên một lớp men kỹ lưỡng với màu sắc phong phú đòi hỏi kinh nghiệm cũng như tài hoa của nghệ nhân. Bằng đôi tay khéo léo, nghệ nhân tiếp tục hoàn thiện, gắn các chi tiết để tạo nên một sản phẩm mang tính nghệ thuật, giàu giá trị văn hoá.

Phong cách gốm của nghệ nhân Trần Tú vừa là sự tiếp nối của những giá trị truyền thống, vừa có hơi thở đương đại với các đường nét phá cách kiểu dáng mới mẻ và những gam màu táo bạo. Nếu không yêu đất, yêu gốm có lẽ nghề gốm Bát Tràng không phát triển và có chỗ đứng như hiện nay. Những con người làm nghề đích thực luôn có ý thức trân trọng bảo vệ, giữ nghiệp của cha ông và đặc biệt ngày này cùng với sự áp dụng khoa học kĩ thuật, người trẻ đang cải tiến và nâng cao nghề cổ truyền, đưa gốm Bát Tràng vươn xa ra thế giới mà vẫn giữ được bản sắc của mình.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Ngân -

Vũ Hiếu