Nhìn ra thế giới: Mỹ siết chặt quản lý AI trước các rủi ro tiềm tàng

Mặc dù đóng góp khá nhiều vào các công trình khoa học, giúp ích trong lĩnh vực y tế và sức khỏe con người, nhưng với tốc độ phát triển quá nhanh của trí tuệ nhân tạo, chính quyền nhiều nước trên thế giới vẫn đặt ra những lo ngại đối với loại công nghệ này, trong đó phải kể đến Mỹ. Ngày 25/7 vừa qua, các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng cho mục đích xấu.

Phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi các công ty chuyên về AI bao gồm OpenAI, Alphabet và Meta Platforms đưa ra các cam kết tự nguyện với Nhà Trắng để thực hiện các biện pháp, như đánh dấu nội dung do AI tạo ra nhằm đảm bảo công nghệ này an toàn hơn.

Thông báo từ Nhà Trắng nêu rõ, các công ty đã cam kết kiểm tra kỹ lưỡng các hệ thống trước khi tung ra thị trường và chia sẻ thông tin về các biện pháp giảm nguy cơ cũng như tiếp tục đầu tư cho an ninh mạng. Động thái này được xem như chiến thắng dành cho những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm quản lý công nghệ AI rất thu hút các nhà đầu tư và ngày càng phổ biến với người dùng.

Tổng thống Biden nhấn mạnh, khi thực hiện cam kết này, các công ty công nghệ sẽ thực hiện nghĩa vụ cơ bản của họ đối với người dân Mỹ là phát triển công nghệ an toàn, bảo mật, mang lại lợi ích xã hội và duy trì các giá trị quốc gia. Bên cạnh đó, các công ty cũng cam kết phát triển những giải pháp AI để giải quyết các vấn đề khoa học như nghiên cứu thuốc và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Hiện chưa rõ các công ty sẽ gắn dấu hiệu nhận biết theo hình thức nào.

Ngay sau khi cam kết này được đưa ra, 4 công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu gồm Anthropic, Google, Microsoft và OpenAI đã cho ra mắt một nhóm mới mang tên Frontier Modern Forum, nhằm xây dựng các tiêu chuẩn an toàn và thúc đẩy sử dụng AI trước những thách thức lớn đối với xã hội.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngọc Anh