Những mối nguy từ mua sắm online và lỗ hổng trong hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

Ngày 15/03 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, thông điệp khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người dùng mạng tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, hoạt động thương mại điện tử cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng.

Là người thích mua sắm nhưng chị Cúc Phương thường lựa chọn kênh mua hàng online. Chị Phương thường tìm các trang quen biết và uy tín. Tuy nhiên, đôi khi có một số mặt hàng chị chỉ tình cờ xem trên mạng và order thì rủi ro mua hàng kém chất lượng rất cao.

Chị CÚC PHƯƠNG, Hoàng Đạo Thúy, Thành phố Hà Nội: "Khi mà mình tìm thấy cái đồ nào nó hay lạ, cũng order thử về nhưng cũng có thể có gặp rủi ro, rủi ro không nhận được hàng, không giống trong ảnh. Mua hàng trên mạng là sẽ gặp rủi ro hơn so với mình trực tiếp nhìn thấy, sờ vào, mình nhìn vào và mình đánh giá được mặt hàng đó, chất lượng như thế nào.”

Bên cạnh hàng loạt các sàn thương mại điện tử được cấp phép hoạt động còn có sự góp mặt của các mạng xã hội như Facebook, Zalo. Hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan. Năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm, vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, xử phạt trên 18 tỷ đồng.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: "Tình trạng bán hàng giả trên mạng xã hội hiện nay khá đáng báo động, số người tiêu dùng thiệt hại là nhiều nhưng đến khiếu nại gõ cửa hội chưa phản ánh đúng thực tế đang diễn ra."

Hàng giả, hàng lậu còn tràn lan tại các  "siêu chợ " điện tử như Lazada, Sendo, Tiki, Shopee… Để thu hút các đơn vị kinh doanh đăng ký mở gian hàng trên sàn TMĐT nên điều kiện được đưa hàng lên bán trên các sàn này khá đơn giản, trong khi đó thiếu việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nên đã đẩy người tiêu dùng vào rủi ro là có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, gây tốn kém kinh tế, thậm chí tổn hại sức khỏe. Điều này đặt ra tính cấp thiết trong hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao quản lý nhà nước với thị trường thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số.

Ông NGUYỄN SINH NHẬT TÂN, Thứ trưởng Bộ Công thương: “Hiện tại, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương xác định một trong các nhóm chính sách cơ bản có liên quan đến quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cần hoàn thiện là các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.”

Năm 2021, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã tiếp nhận và xử lý 150 lượt phản ánh trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử với các hành vi không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. Trong cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, Bộ Công thương cho biết đang hoàn thiện hệ thống nhằm cải cách thủ tục hành chính, để người dân, doanh nghiệp có thể gửi khiếu nại trực tuyến và miễn phí, nhằm chủ động phát hiện kịp thời vấn nạn hàng giả trên thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Hải Yến