Ninh Thuận: Nghị quyết 31 dừng đầu tư dự án điện hạt nhân tạo bước phát triển đột phá

Sáng 13/4, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH 14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cách đây 5 năm, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 14 tháng 10 năm 2016, đồng ý về chủ trương dừng thực hiện Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Với căn cứ chính trị đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển đột phá của tỉnh Ninh Thuận.

Tại Nghị quyết số 31/2016/QH14, Quốc hội giao Chính phủ 3 nhóm nhiệm vụ chính, thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân và phát triển năng lượng tái tạo. Với quyết tâm cao của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận, đến nay tỉnh Ninh Thuận đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm đứng đầu của cả nước, người dân được hưởng thành quả từ phát triển và tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên; đặc biệt chỉ số thu nhập bình quân đầu người có tốc độ tăng rất nhanh, năm 2020 gấp 1,7 lần so với 2016, chỉ kém một chút so với địa phương có tốc độ tăng nhanh nhất của cả nước là Hải Phòng gấp 1,74 lần. 

Ông TRẦN QUỐC NAM - Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận: “Đề nghị Chính phủ tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục xem xét, sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các cơ chế chính sách tại Nghị quyết 115/NQ-CP tỉnh chưa được thụ hưởng”.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và chia sẻ khó khăn với bà con bị ảnh hưởng trực tiếp trong vùng dự án. Bên cạnh đó, đồng chí đã đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Ninh Thuận đã nỗ lực đạt được và dần đưa tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Đề nghị Chính phủ sớm có phương án xử lý đối với các dự án năng lượng đã hoàn thành trước thời hạn quy định và có trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành một trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết số 115, cần cân đối trong tổng thể chung. Điều chỉnh quy hoạch đối với diện tích đất có titan để vừa giải quyết yêu cầu đầu tư phát triển trong trung hạn, vừa bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến titan trong dài hạn. Trước mắt cần xem xét chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hưởng cơ chế chính sách về tỷ lệ cho vay lại, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương theo Nghị quyết số 115/NQ-CP.”

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá toàn diện, làm rõ và nổi bật những thành tựu mà tỉnh Ninh Thuận, cũng như các ngành, các cấp đã đạt được. Nêu bật lên những kinh nghiệm được rút ra qua 5 năm thực hiện. Các đại biểu cũng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề này. Trong đó, lưu ý đến các vấn đề về quy hoạch, chuyển đổi sinh kế cho người dân, an sinh xã hội, phát triển năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả.

Việt Bảo