NXB Giáo dục lý giải thiếu sách giáo khoa là do chưa thích ứng kịp với chương trình mới

Đầu năm học này, tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ lại tiếp tục xảy ra, có nơi đã vào năm học nhưng học sinh vẫn chưa thể mua đủ sách. Phản hồi về tình trạng này, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, một trong những đơn vị xuất bản sách giáo khoa chiếm thị phần lớn nhất hiện nay cho biết tình trạng này xảy ra do đang làm quen với chương trình mới.

Nếu như trước đây, học sinh cả nước học cùng 1 loại sách giáo khoa của 1 nhà xuất bản thì việc khảo sát nhu cầu, triển khai in ấn đều khá chủ động. Tuy nhiên hiện nay, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới mới, các đơn vị xuất bản phải chờ thông tin chọn sách từ các trường, các địa phương mới có thể ước tính được nhu cầu để in sách.

Ông LÊ HOÀNG HẢI, Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam: “Ở lớp 10 có một loạt các môn học tự chọn và chuyên đề tự chọn. Tùy theo điều kiện của giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường thì khi khai giảng các nhà trường mới bắt đầu cùng với học sinh quyết định lựa chọn sách giáo khoa nào, môn nào. Thậm chí ngay trước khai giảng hoặc sau khai giảng mới có thông tin về tên sách giáo khoa, số lượng khi đó mới có thể in ấn và phát hành."

Đây là 1 hệ quả tất yếu khi xã hội hóa sách giáo khoa, các đơn vị sản xuất tuân theo quy luật thị trường, tùy theo nhu cầu để cung ứng phù hợp tránh tồn kho, thua lỗ. Tuy nhiên, sách giáo khoa là 1 sản phẩm đặc biệt, liên quan đến chất lượng giáo dục nên không thể áp dụng quy luật quá cứng nhắc.

Ông LÊ HOÀNG HẢI, Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam: “Nếu đứng từ góc độ doanh nghiệp thì nhà xuất bản là một đơn vị sản xuất, luôn có nhu cầu, mong muốn sản xuất được nhiều nhất, đưa đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Do chúng ta mới bắt đầu đổi mới chương trình, bắt đầu sang phương thức lựa chọn sách giáo khoa ở các trường, các địa phương nên có sự phối hợp chưa đồng bộ. Hi vọng những năm tới, các địa phương, các nhà xuất bản làm quen được với phương thức mới này thì câu chuyện cung ứng sách giáo khoa sẽ đầy đủ và kịp thời hơn."

Trong 2 năm học trước, tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ cũng đã xảy ra, nhưng được lý giải do dịch bệnh Covid-19 nên việc khảo sát nhu cầu cũng như vận chuyển sách gặp khó khăn.

Đỗ Minh