Phát triển điện ảnh Việt Nam nhìn từ bài học Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những đất nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Những kinh nghiệm trong xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của chính phủ Hàn Quốc, xu hướng làm phim, cách tiếp cận các Liên hoan phim, con đường đi tới những giải thưởng lớn...đã được các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ trong hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Hàn Quốc” trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.

Điện ảnh Hàn Quốc những năm gần đây đã chiến thắng trên nhiều Liên hoan phim quốc tế như: phim "Ký sinh trùng" với Giải thưởng Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019, 4 giải thưởng lớn tại lễ trao giải Oscar 2020, Phim "Trò chơi con mực" trở thành phim không nói tiếng Anh đầu tiên được đề cử hạng mục “Phim chính kịch xuất sắc” tại giải thưởng Emmy 2022. Tác phẩm từng gây sốt trên toàn cầu này nhận tổng cộng 14 đề cử. Và Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia Châu Á cho ra đời nhiều bộ phim đình đám cả về nội dung lẫn kỹ xảo. Với nhiều gương mặt diễn viên xinh đẹp, tài năng, phim Hàn Quốc đã trở nên ngày càng quen thuộc trong đời sống giải trí của không chỉ người Việt.

Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Hàn Quốc” diễn ra sáng 09/11 tại Hà Nội đã thu nhận được nhiều chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia Hàn Quốc xung quanh những thành công trong phát triển nền điện ảnh Hàn Quốc

Ông PARK KI YONG - Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc: "Hàn Quốc vào 20 năm trước cũng không có một nền điện ảnh phát triển và đáng tự hào như bây giờ, người dân cũng thích xem các phim của nước ngoài. Chúng tôi cũng từng làm phim giống các phim nước khác, nhưng những bộ phim được khán giả đón nhận và thành công thì lại xuất phát từ những nét văn hóa địa phương. Cái cần toàn cầu hóa là một kế hoạch mở cửa và phát triển dài hơi."

Có thể nói, Điện ảnh Hàn Quốc đã bứt phá và thành công trong những năm gần đây. Và vì sao Hàn Quốc có bước tiến thần kỳ như vậy trong sáng tạo nghệ thuật? Để bảo vệ và thúc đẩy công nghiệp điện ảnh nội địa, cũng như nhiều nước, từ sau khi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt vào năm 1997, và quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim với một chuỗi cung ứng cho giá trị gia tăng, từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến hậu kỳ quảng bá và phát hành. Và xã hội Hàn Quốc có cái nhìn bao dung với những sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật.

Diễn viên, Đạo diễn CÔNG HẬU – Ủy viên BCH Hội Điện ảnh Việt Nam: "Kiểm duyệt là một trong những điều đã khép sự sáng tạo nghệ thuật. Như gần đây, khi tôi mang ý tưởng đi kiểm duyệt, đáng ra ý tưởng của mình 5, nhưng khi kiểm duyệt xong, ý tưởng của mình còn 2. Và các nước bạn với nhưng phim của mình đã đánh vô tâm lí của người xem, của khán giả, của người sản xuất, và từ người làm sản xuất chúng tôi cũng thấy đó là một bài học cần nhìn nhận. Tôi nghĩ chúng ta phải có hướng đào tạo đưa thế hệ trẻ đến những nước phát triển trên thế giới để học tập và nghiên cứu."

Đạo diễn ISMAIL FAHMI LUBIS, Tác giả phim ngắn “Homebound”,Indonesia: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ học được rất nhiều bài học từ điện ảnh Hàn Quốc về chiến lược chính sách, hay kể cả từ chuyện môn. Tôi tham gia Liên hoan phim lần này là lần thứ 2, sau vài năm quay lại Việt Nam thì tôi thấy điện ảnh Việt Nam phát triển đáng ngạc nhiên, và sẽ trở thành một ngành có tiềm năng phát triển mạnh mẽ."

Hội thảo là một cơ hội tuyệt vời để khán giả Hà Nội và đại biểu tham dự Liên hoan phim được trao đổi những kinh nghiệm đã góp phần làm nên vị trí hàng đầu của Điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế ngày nay; cùng “quyền lực mềm” quảng bá văn hóa, kết nối các giá trị văn hóa, tạo nên những kỳ tích của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc qua nhiều năm.

Minh Chiến