Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Chưa có địa phương nào bố trí kinh phí đối ứng theo báo cáo của Chính phủ

Cho ý kiến về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần bám sát vào mục tiêu của chương trình để lựa chọn địa bàn, tránh dàn trải nguồn lực.

Đồng thời, đảm bảo tính khả thi của địa phương trong thực hiện đối ứng vốn để triển khai thực hiện chương trình trong thời gian tới.

Nhấn mạnh trong mục tiêu của chương trình có 9 nhóm, trong đó có ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn và những dân tộc rất khó khăn, do vậy các ý kiến đề nghị Chính phủ, các bộ ngành với số vốn được phân bổ phải bám sát vào chủ trương của nghị quyết để lựa chọn các địa bàn để triển khai có như vậy nguồn vốn sẽ đến đúng địa chỉ và phù hợp với khả năng chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo đối với chương trình này.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc UBTVQH: "Nếu dàn đều, không bám vào mục tiêu thì chúng ta sẽ dàn trải về nguồn lực, dàn trải về địa bàn, đương nhiên sẽ dàn trải khả năng tổ chức thực hiện và khả năng giám sát. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu cách tổ chức thực hiện làm sao cho hiệu quả chương trình, cho rõ và chọn các nội dung cũng như địa bàn như trong nghị quyết đã nêu."

Ông HẦU A LỀNH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: "Chính phủ đã đưa trong Quyết định 39, là bố trí tập trung vào các thôn, bản đặc biệt khó khăn, các thôn bản ATK, đây là mục tiêu và nguyên tắc trong Nghị quyết 120 của Quốc hội và Chính phủ cũng đưa vào trong nguyên tắc tiêu chí định mức, phân bổ và bố trí cho nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn và khó khăn đặc thù."

Về việc bố trí kinh phí đối ứng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về số lượng các tỉnh đã có đối ứng nguồn vốn, các tỉnh nào chưa bố trí vốn đối ứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: "Chưa có địa phương nào bố trí kinh phí đối ứng theo báo cáo Chính phủ, vậy dự kiến báo cáo của Chính phủ ở đây là gọi là "đếm cua trong lỗ", cho đến nay đã có đã có ai bố trí kinh phí đối ứng đâu, vướng gì ở chỗ này?"

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và đối ứng vốn của địa phương được quy định tại Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông HẦU A LỀNH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: "Năm 2023 dự kiến sẽ có 23 tỉnh bố trí vốn đối ứng khoảng 2.051 tỷ. Như vậy, 2 năm 2021-2022 sẽ khoảng trên 3 nghìn tỷ. So với tỷ lệ vốn đối ứng và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ là phù hợp, phù hợp vì chỉ có 10% thôi. Hai năm 2021, 2022 thì bố trí 16 nghìn tỷ và năm 2023 dự kiến bố trí cho chương trình này khoảng 24 nghìn tỷ, như thế thì khoảng trên 30 nghìn tỷ. Nếu các địa phương bố trí hơn 3 nghìn tỷ vốn đối ứng thì phù hợp với nguyên tắc tiêu chí là 10%. Nhưng vốn đối ứng này không thể bố trí 1 năm được mà bố trí cả giai đoạn."

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Đối với vốn đầu tư, tập trung ưu tiên trong hai năm 2021, 2022 cho các dự án đã đủ điều kiện và các dự án có tiến độ giải ngân của các giai đoạn trước, phù hợp với mục tiêu của chương trình nhưng chưa được bố trí vốn.

Dương Dung