Quần thể danh thắng Tràng An Ninh Bình gặp khó trong việc hài hoà giữa lợi ích người dân và bảo vệ di sản

Nhờ những giá trị di sản phong phú cả về địa mạo, địa chất, thiên nhiên, văn hoá, lịch sử mà du lịch của Ninh Bình đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ trong những năm qua, góp phần thay đổi căn bản đời sống của người dân xung quanh vùng di sản, cũng như bộ mặt của địa phương.

Tuy vậy, việc vẫn áp dụng những qui định đã tồn tại hơn 10 năm từ Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng đã khiến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của địa phương gặp không ít khó khăn khi hướng tới mục tiêu hài hoà lợi ích người dân và bảo tồn phát huy giá trị di sản. Và đây cũng là nội dung được các đại biểu Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đặc biệt quan tâm trong chuyến khảo sát tại Ninh Bình trước thềm sửa đổi Luật Di sản văn hoá.

Bến thuyền Tràng An ngày đầu tuần, du khách ra vào nườm nượp không kém những ngày nghỉ cuối tuần. Dường như việc chọn Tràng An Ninh Bình cho một kì nghỉ hè không còn là chuyện mới mẻ.

Khách đông, bà con địa phương cũng phấn khởi khi thuyền nối thuyền đón khách. Tuy nhiên, những hình ảnh này mới chỉ là một phần rất nhỏ của quần thể di sản hỗn hợp Tràng An, Ninh Bình. Với một diện tích rộng lớn lên tới hơn 6.000ha và hơn 30.000 dân sống trong vùng lõi di sản, thì việc làm sao để hài hoà giữa lợi ích của người dân với bảo vệ di sản không phải là điều dễ dàng. Điển hình như câu chuyện đang diễn ra tại trung tâm Tam Cốc, chỉ cách nhau một chiều ngang sông vài mét, nhưng người dân lại bị áp hai cơ chế xây dựng khác hẳn nhau.

Nguyên nhân của tình trạng trên cũng được đại diện cơ quan quản lý tỉnh chỉ ra là do quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình là một dạng di sản hỗn hợp đặc biệt. Thế nhưng, những văn bản luật cũ đa số được thiết kế dựa trên công năng của một khu di tích quốc gia đặc biệt chứ không phải của một khu di sản, mà ở đây lại còn là dạng di sản hỗn hợp chưa từng có tiền lệ. Luật cũ, các văn bản dưới luật cũng cũ khiến công tác qui hoạch vùng khai thác, vùng bảo vệ, các chính sách hợp tác đầu tư đều gặp khó khăn cho cả chính quyền lẫn người dân.

Từ thực tế buổi khảo sát và qua buổi làm việc với địa phương, nhiều ý kiến có giá trị đối với công tác sửa đổi Luật Di sản sắp tới đã được đoàn Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận. Với mục tiêu “di sản sống” như hiện nay thì vai trò của cộng đồng người dân là yếu tố then chốt. Muốn nhân dân tâm huyết gìn giữ giá trị di sản thì việc điều chỉnh luật cần phải rất cẩn trọng để đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của người dân và nhiệm vụ bảo vệ phát huy giá trị di sản.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư