Quây tôn thi thông giữa lòng đường, trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà quản lý nhưng người dân lại là người chịu hậu quả

Quây tôn để thi công điều không lạ. Và những chiếc rào chắn đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng tới đời sống dân sinh. Điều người dân quan tâm là không biết công trình đang thực hiện đến đâu? Và các lô cốt này bao giờ sẽ được gỡ bỏ. Vô vàn khó khăn và bất cập mà người dân phải hứng chịu thế nhưng câu chuyện này mãi vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đường Nguyễn Xiển – tuyến đường huyết mạch của thủ đô Hà Nội vốn quả tải nay lại càng trở nên ngột ngạt khi xuất hiện thêm rào chắn thi công.

Thượng tá PHẠM NGỰ LONG - Phó trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục Cảnh sát Giao thông: "Tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến rất là phức tạp. Ngay từ những ngày đầu lưu lượng giao thông rất lớn. Trong khi đó phần đường bị bó hẹp 2/3 do vậy vẫn đến ùn tắc nghiêm trọng kéo dài gây ảnh hưởng lớn cho việc đi lại của người tham gia giao thông"

Chị VŨ THANH NAM - Người dân: "Bốn năm qua rất bụi bặm. Tiếng động rất nhiều, con cái đi học hành, tôn tiếc như này ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nhiều chứ."

Theo quy định, việc dựng những hàng rào chắn như thế này sẽ được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép có thời hạn, các đơn vị thi công phải có phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phải thông báo cho người dân biết. Còn nếu vi phạm, đơn vị liên quan sẽ bị xử lý.

PGS.TS DOÃN MINH TÂM - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải: "Trong hồ sơ biện pháp tổ chức thi công đã trình chủ đầu tư đã trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội phê duyệt thì biện pháp tổ chức giao thông để không ùn tắc như thế nào cần phải được xem xét lại."

PGS.TS HỒ ANH CƯƠNG - Trưởng bộ môn Công trình GTCC và Môi trường: "Đâu đó là công tác điều hành, giám sát có lẽ là chưa được tốt như mong đợi. Cho nên dẫn ra cái việc là lần này người dân sẽ phải chịu tất cả những hiện tượng do sự phối hợp không đồng bộ như thế, cũng có thể do cả nhà đầu tư làm chưa được đầy đủ trách nhiệm như người dân mong đợi, như các cơ quan nhà nước mong đợi. Cho nên là hậu quả dẫn đến là người dân chúng ta phải chịu những cái hiện tượng đó."

“Lô cốt” mọc trên các tuyến đường của một thành phố đang phát triển có lẽ không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng cách quản các công trình có “lô cốt” cho thấy trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Cần có những đánh giá khách quan, nghiêm túc về những tác động tiêu cực của hoạt động này đến xã hội và có những biện pháp xử lý nghiêm đối với các dự án chậm tiến độ trả lại mặt bằng.

Việt Hà