Quy định rõ trách nhiệm, hậu quả pháp lý của hành vi gian dối thông tin mua, bán bảo hiểm

Chiều ngày 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Quy định trong hợp đồng bảo hiểm đảm bảo quyền lơị các bên tham gia thị trường bảo hiểm tiếp tục được các đại biểu tập trung góp ý. Trong đó, đề nghị điều chỉnh việc gia hạn đóng phí bảo hiểm nhân thọ từ 60 ngày lên tối thiểu 90 ngày.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm, hậu quả pháp lý của hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua, cần tính toán tăng chế tài đối với bên kinh doanh bảo hiểm có hành vi gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận đang gia tăng về số lượng trên thị trường.

Bà NGUYỄN THỊ THU THỦY – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: “Việc xác định được các hình thức, biểu hiện cụ thể của thông đồng và các quy định cụ thể của Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ làm cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm của người bán, bên kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan hữu quan trong hành vi gian dối thông tin của người mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm, hậu quả pháp lý cụ thể của mỗi bên đối với các hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm, nhưng có sự thông đồng, giúp sức của bên bán bảo hiểm.”

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị xem xét bổ sung loại hình bảo hiểm vi mô vào Khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật và được xem là một trong các loại hình của bảo hiểm để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng đối với loại hình bảo hiểm vi mô, nhưng tại Khoản 3, Điều 19 dự thảo Luật lại chưa quy định rõ nội dung “sự kiện bất khả kháng” hoặc “trở ngại khách quan” trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc sự kiện xảy ra. 

Đại biểu HUỲNH THỊ PHÚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: "Để đảm bảo tính chặt chẽ, tính thống nhất giữa các quy định cũng như dễ áp dụng khi luật được Quốc hội thông qua, đề nghị xem xét, bổ sung phần giải thích từ ngữ, Điều 4 của dự thảo Luật quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và điều chỉnh thống nhất nội dung của Khoản 3, Điều 19 và Khoản 1, Điều 303. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định trách nhiệm trả chi phí thuê giám định viên độc lập. Trong trường hợp phát sinh việc yêu cầu giám định theo hướng bên nào yêu cầu giám định thì bên đó phải trả các chi phí và một số chi phí phát sinh nếu có”

Đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lại đặt vấn đề thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm về hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp có sự khác nhau giữa các luật và cần quy định lại thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm nhân thọ tối thiểu 90 ngày thay vì 60 ngày như hiện nay. 

Ông VÕ MẠNH SƠN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: ”Về đóng phí bảo hiểm nhân thọ quy định tại Điều 37 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng gói bảo hiểm nhân thọ thường có nội dung rất dài, do vậy, việc gia hạn đóng phí 60 ngày là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định lên tối thiểu là 90 ngày, nội dung dự thảo Luật chưa đề cập đến việc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả lãi suất trên số tiền bảo hiểm hay bồi thường chậm trả. cần nghiên cứu bổ sung quy định về lãi suất chậm trả trong 2 trường hợp nêu trên để có căn cứ pháp lý khi xảy ra tranh chấp giữa các bên. Đồng thời, cần bổ sung điều khoản quy định doanh nghiệp bán bảo hiểm phải chịu lãi suất chậm trả, chậm thanh toán nhằm tránh việc đơn vị bán bảo hiểm trì hoãn thanh toán, chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.