Quy hoạch tổng thể quốc gia cần đảm bảo trọng tâm, tránh dàn trải

Nhấn mạnh việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó khăn, phức tạp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các mục tiêu đưa ra trong dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần rà soát lại để định lượng giúp dễ dàng đánh giá, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

Các ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như: dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Tuy nhiên, đây là những mục tiêu chưa định lượng, như vậy sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị rà soát lại những đánh giá giải pháp tránh đưa ra nhiều cụm từ chung chung không mang tính định lượng, nội hàm không rõ ràng.

Hay như định hướng “không còn hộ nghèo”, đây cũng là vấn đề phi thực tế, khó có thể thực hiện.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa con số cụ thể. Vì mục tiêu cao nhất là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia đảm bảo không chung chung, không trùng lặp với chiến lược, định hướng cũng không được chi tiết trùng lặp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng đây là vấn đề khó nhất trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

Bộ trưởng cũng khẳng định, các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam