Sách giả, sách lậu tràn lan: Thui chột nền văn hóa

Tình trạng này không chỉ vi phạm luật xuất bản, luật sở hữu trí tuệ, làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bạn đọc, gây tổn hại cho các đơn vị làm sách, các nhà xuất bản, tác giả. Nếu không có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này thì nguy cơ bức tử nền văn hóa, bức tử tri thức là hết sức rõ ràng.

Nạn sách giả, sách lậu không mới nhưng thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều và rất phổ biến. Thực trạng này không chỉ vi phạm luật xuất bản, luật sở hữu trí tuệ, làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bạn đọc, gây tổn hại cho các đơn vị làm sách, các nhà xuất bản, tác giả.

Là một người yêu sách, việc đến hiệu sách vào những ngày cuối tuần dường như trở thành thói quen của ông Giang. Tuy nhiên, để tìm một cuốn sách thật rất khó bởi sách lậu, sách giả được bày bán tràn lan, phổ biến trên các hiệu sách. 

Ông Tô Văn Giang - Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: Trang đầu nó in gần như nguyên bản, trong một số trang thì có những cái kèm vào của một số những tác giả không thuộc chính thống, trong đó có những lời văn hoặc những câu văn không phù hợp với văn hóa người Việt, đặc biệt trong số sách lậu thì phần chất lượng in thì rất kém, có những trang rất nhòe, có những trang có lời văn không đúng với tác giả”.

Không tốn chi phí bản quyền, dịch thuật, biên tập, lại chỉ sử dụng giấy, mực in rẻ tiền nên người bán sách giả, sách lậu thu lời rất cao. Việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe khiến sách giả, sách in lậu vẫn bày bán tràn lan. Trong khi nhu cầu của độc giả tăng, nhất là trong thời gian thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Có những quyển sách chỉ hôm trước vừa ra mắt, hôm sau đã có ở thị trường sách lậu.

Anh Nguyễn Văn Bình - Độc giả Hà Nội: Theo tôi việc thị trường sách lậu vẫn còn là do lợi nhuận của việc bán sách rất cao. Điển hình như gần đây qua thông tin báo chí tôi có biết được ban ngành quản lý thị trường có hành vi bảo kê cho 3 triệu đầu sách lậu. Bên cạnh đó, rất nhiều các đơn vị đang xuất bản 1 cuốn sách ra nhiều hình thức khác nhau, lợi dụng giấy tờ pháp lý có sẵn, từ đó thu lại đc nguồn lợi nhuận mà nhà nước không thể nắm bắt được”.

Nhà văn Trần Ngọc Hưng - Hội viên hội nhà văn Việt Nam: Các nhà xuất bản họ cũng kêu rất nhiều là nếu in lậu thì họ không đủ tiền để trả bản quyền. Cái nặng nề nhất mà lậu nhiều nhất là sách giáo khoa có thể nói nhà nào cũng phải mua, kém chất lượng nhưng nó rẻ. Có những cuốn sách 400, 500 trang giá 200, 300 nghìn tức là giá trên trời ai mua. Như đầu lậu họ không phải trả gì cả, giá rẻ hơn 1/3 đổ xô đi mua”.

Nếu so sánh với các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh thì hiện tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trầm trọng hơn rất nhiều.Với sự phát triển của Internet và sự vào cuộc của các trang thương mại điện tử thì sách giả sách lậu được ví như những con virus đang phát tán với tốc độ khủng khiếp. Chính vì vậy những người yêu sách đều cho rằng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ món ăn tình thần của chúng ta.

Luật sư Lê Quang Tuấn - Công ty TNHH Luật Khánh Minh: Theo tôi thì trong thời gian tới chúng ta sẽ phải có sự điều chỉnh luật xuất bản cho phù hợp với tình hình mới, đăc biệt là thích ứng với sự phát triển ngày càng mạnh của khoa học kỹ thuật. Ngành xuất bản cũng đang dần dần áp dụng những công nghệ mới vào để đưa nhiều loại hình xuất bản đến với bạn đọc. Như vậy cần có sự thay đổi chế tài luật định nghiêm minh hơn”.

Cuộc chiến với sách giả, sách lậu hẳn sẽ còn rất gian nan. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý, có lẽ mỗi người đọc chúng ta cần kiên quyết nói không với sách giả, sách in lậu để ủng hộ cho những tác giả và các nhà xuất bản chân chính.