Sách giáo khoa: Lãng phí ở những đâu?

Chiều 2/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một trong những lãng phí rất lớn được các thành viên đoàn giám sát chỉ rõ là vấn đề sách giáo khoa.

Vấn đề lãng phí sách giáo khoa là điều mà lâu nay dư luận bức xúc, đại biểu quan tâm, Quốc hội nhiều lần cho ý kiến. Nếu như tính mẫu mực; tính khoa học; tính ổn định, cập nhật; tính kế thừa là những tiêu chuẩn mà quốc tế khẳng định thì tại nước ta, điều này lại khó mà đạt. Có quá nhiều bộ sách, nhiều loại sách. Có địa phương năm nay dùng loại sách này, sang năm dùng loại sách khác. Sách chỉ dùng một năm, không tái sử dụng được gây ra lãng phí vô cùng lớn.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách: “Tôi đề nghị Bộ cần chuẩn lại sách, nhiều quá, không phải năm nào cũng cần thay đổi, anh học xong không thể đưa lại cho em, tôi cho rằng nó lãng phí vô cùng.”

Ông LÊ THANH VÂN, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách: “Cái tình trạng lãng phí nhất trong biên soạn, in ấn sách giáo khoa chính là tính kế thừa ổn định của giáo trình cứ mỗi năm in một lần, giá sách tăng lên làm gánh nặng cho các hộ nghèo, đề nghị Đoàn Giám sát phải giám sát  sâu hơn, với tình lĩnh vực, một số lĩnh vực phải có cơ quan điều tra, nhất là vấn đề sách giáo khoa, đây là vấn đề nhức nhối nó không đơn thuần là vi phạm hành chính, làm rõ trách nhiệm ngành, người đứng đầu ngành của các thời kỳ trước đây.”

Lý giải cho điều này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc thay đổi sách giáo khoa đang được thực hiện theo từng năm. Chính phủ cũng vừa có công điện về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó yêu cầu Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo rà soát kê khai giá sách giáo khoa theo quy định của pháp luật; các đơn vị xuất bản tiết giảm chi phí nhằm giảm giá.

Vũ Hiếu