Sổ tay người cao tuổi: Phòng bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm và đang có số người mắc cao nhất so với các bệnh lý khác tại Việt Nam. Ở người cao tuổi, các bệnh về tim mạch thường gặp như: Tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim do nhiều nguyên nhân gây nên.

Các bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Những thông tin hữu ích giúp người cao tuổi phòng ngừa nguy cơ, phát hiện và điều trị khi mắc căn bệnh này sẽ là nội dung được đề cập trong Sổ tay người cao tuổi hôm nay.

PHÒNG BỆNH TIM MẠCH Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Cách đây hơn 1 tháng bà Bùi Thị Hoa 60 tuổi ở Vĩnh Phúc lại bị tái phát vì các triệu chứng liên quan đến bệnh tim mạch. Mấy ngày hôm nay, do biểu hiện bệnh trầm trọng hơn, bà Hoa không khỏi lo lắng nên quyết định xuống ViệnTim mạch Quốc gia để chữa bệnh.

Bà BÙI THỊ HOA, Tỉnh Vĩnh Phúc: "Khoảng 10 năm về trước thì cũng có những biểu hiện như thế này thì tôi cũng đến đây khám và mua một liệu trình thuốc như thế thì uống từ đợt đấy không thấy hiện tượng nữa. Nhưng bây giờ lại thấy có hiện tượng giống như lần trước, thấy cũng lo nên mới đi khám."

Bệnh về tim mạch có biểu hiện rất đa dạng, trong đó đau tức ngực, khó thở,thường xuyên mệt mỏi, nhịp tim đập nhanh và có cảm giác hụt hơi thậm chí là ngất xỉu là những triệu chứng điển hình nhất ở người cao tuổi. Theo bác sỹ, bệnh tim mạch ngoài những nguyên nhân do di truyền, bệnh lý nền tác động còn do yếu tố về tuổi tác, chế độ ăn uống, vận động và đây cũng là những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng số người mắc bệnh ở nước ta.

Bác sỹ Chuyên khoa II NGUYỄN TRUNG HẬU, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: "Khi mà tuổi càng cao là một yếu tố nguy cơ về tim mạch rồi, ngoài ra lối sống tĩnh tại, ít vận động làm tăng nguy cơ tăng bệnh tim mạch và nữa là vấn đề ăn uống. Ngày nay vấn đề dinh dưỡng ngày càng tốt lên tuy nhiên đi kèm theo đó là các thực phẩm giàu dinh dưỡng thì cũng giàu cholesteron làm cho tỷ lệ rối loạn lipit máu hay là các bệnh rối loạn chuyển hóa ngày càng tăng lên. Và vấn đề nữa là tỷ lệ tăng huyết áp trong dân số cũng ngày càng cao thì tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch."

Thống kê tại Viện Tim mạch Quốc gia, trung bình mỗi ngày khám cho khoảng hơn 500 bệnh nhân trong đó người từ 60 trở lên chiếm hơn 70%. Thông qua khám cận lâm sàng: siêu âm, điện tim, bác sỹ phát hiện trung bình cứ 10 người thì có 5 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bác sỹ VŨ HỒNG PHÚ, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: "Đến nay thì siêu âm tim vẫn là một trong phương pháp đầu tay để thăm dò đánh giá các tổn thương về tim mạch, đặc biệt là các tổn thương về van tim, cơ tim sớm. Khi bệnh nhân càng cao tuổi cộng với trước đó là các bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường vv… thì tuổi tác càng cao bệnh lý như nhồi máu cơ tim, rối loạn chuyển hóa ngày càng cao hơn."

Cũng có nhiều bệnh nhân thường xuyên gặp phải các triệu chứng kể trên nhưng do chủ quan, nghĩ rằng các bệnh này là bình thường, rồi nhanh chóng bỏ qua các dấu hiệu ban đầu không đi khám. Điều này có thể khiến cho người bệnh bị những biến chứng rất nguy hiểm. Điển hình như ông Trịnh Quang Phục 82 tuổi mới đây vào nhập viện trong tình trạng suy tim rất nặng.

Anh TRỊNH VIẾT CÔNG, Người nhà bệnh nhân: "Ở nhà thì ông có tiền sử hút thuốc. Cách đây 2 tháng ông bị khó thở, sức khỏe suy kiệt thì có đến viện ở Bắc Ninh, bác sỹ đã phải cấp cứu ở đó và người ta kết luận ông bị phổi tắc nghẽn và suy tim."

Bác sỹ Chuyên khoa II NGUYỄN TRUNG HẬU, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: "Với những bệnh nhân mà có các bệnh lý đặc biệt ví dụ như bệnh lý động mạch vành thì cần phải xử lý chuyên sâu hơn như đặt sten nong mạch. Với những bệnh nhân suy tim, ngoài việc dùng thuốc hiện nay còn có nhiều phương pháp khác như cấy thiết bị cho tim hoạt động. Vơi những bệnh nhân có rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh hiện nay có phương pháp dùng sóng cao tần và xử lý rối loạn nhịp tim phù hợp."

Mặc dù hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh tim mạch, tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan vì các biến chứng tim mạnh có thể gây đột quỵ tức thì. Đây là biến cố nguy hiểm nhất và gây tử vong nhiều nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vì thế, để phòng bệnh và các biến chứng, bác sỹ khuyên rằng mọi người nên thực hiện đi khám sức khỏe định kỳ 1 năm 2 lần để sớm phát hiện và điều trị. Đối với người trên 60 tuổi khi mắc bệnh cần tuân thủ chế độ dùng thuốc theo đơn. Ngoài ra, thường xuyên luyện tập thể dục, lưu ý chọn các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp và cần có chế độ sinh hoạt ăn uống khoa học.

Anh Đào