Sổ tay người cao tuổi: Phòng và điều trị bệnh huyết áp ở người cao tuổi

Tăng huyết áp là một bệnh lý có số người mắc khá cao trong cộng đồng. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có đến hơn 1 tỷ người mắc bệnh này. Đặc biệt là những người từ độ tuổi trung niên trở lên, ước tính chiếm gần 3.4 %. Bệnh được xem là kẻ giết người thầm lặng vì đa phần các triệu chứng xuất hiện rất mơ hồ mà nhiều người không để ý.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, 75 tuổi, vừa ở thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm con cháu được vài ngày thấy xuất hiện cơn đau ngực, bà Lan phải vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để điều trị. Khi nhập viện, huyết áp của bà đo ở mức 240/90, tăng gần gấp 2 lần so với chỉ sổ huyết áp ở người bình thường. Tuy vậy, trước đó bà không nghĩ là mình bị tăng huyết áp.

Thống kê tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong thời gian gần đây, cứ 10 người từ 60 tuổi trở lên đi tầm soát bệnh tim mạch thì phát hiện có khoảng 50% bệnh nhân bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân. Vì triệu chứng không rõ ràng nên nhiều người khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Theo bác sĩ, ở người cao tuổi theo thời gian mạch máu sẽ mất dần độ đàn hồi và dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp. Đối với phụ nữ từ 70 tuổi trở lên có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn so với nam giới ở độ tuổi này. Ngoài ra, một số yếu tố khác tác động đến bệnh này là do chế độ ăn uống, ăn nhiều muối, nhiều chất béo hoặc ở những người thừa cân – béo phì, ít vận động và nhất là sử dụng bia rượu nhiều.

Có nhiều bệnh nhân do không kiểm soát tốt huyết áp nên dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích và gây các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách thành động mạch chủ.

Trong điều trị bệnh tăng huyết áp, ở mức độ nhẹ cần phối hợp giữa điều chỉnh lối sống khoa học, ăn uống, tập luyện thể dục, thể thao kết hợp với thuốc hạ huyết áp. Với những người bị biến chứng nặng gây ra các tổn thương như: Suy tim, nhồi máu não, tổn thương mạch máu, phình động mạch, rối loạn cương dương… có thể được bác sĩ can thiệp bằng phẫu thuật nhưng sẽ để lại những di chứng nhất định. Do đó theo lời khuyên của bác sĩ, để phòng bệnh và các biến chứng nguy hiểm, mọi người nên thực hiện đi khám sức khỏe định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Tiến Dũng