Sóc Trăng: Nghiên cứu tiền khả thi, kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề

Với mục tiêu xây dựng bến cảng cửa ngõ Vùng ĐBSCL tại Trần đề, tỉnh Sóc Trăng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho toàn Vùng ĐBSCL, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Vùng ĐBSCL. Hôm nay tỉnh Sóc Trăng tổ chức nghe báo cáo tiền khả thi, để kêu gọi đầu tư dự án.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.. 

Theo đó dự án cảng Trần Đề sẽ phát triển một bến cảng ngoài khơi có quy mô 1.400 héc ta và kết nối với bến trong bờ quy mô 4.000 héc ta bằng hệ thống cầu dẫn dài 18 km. Trong đó, khu bến cảng ngoài khơi có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất lên đến 100.000 tấn và tàu hàng rời đến 160.000 tấn.

Việc xúc tiến thành lập cảng biển Trần Đề đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với tỉnh Sóc Trăng mà còn cả vùng ĐBSCL. Theo kết quả nghiên cứu của một số đơn vị tư vấn, khi đưa vào hoạt động cảng biển này sẽ tiết giảm được chi phí vận chuyển hàng hoá từ 30-40% so với hiện nay.

Đơn vị tư vấn đề xuất trong năm 2024 sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án. Năm 2025 hoàn thiện thiết kế, lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công từ 2026-2027; hoàn thiện vào năm 2028. Dự án chia làm 5 giai đoạn với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 157.000 tỷ đồng.

Công Tràng -

Chí Điển