Standard Chartered gợi ý cho Việt Nam về nguồn quỹ 350 tỷ USD tài trợ cho các dự án xanh

Giảm cường độ phát thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa đời sống và tiêu dùng. Đây là 3 nhiệm vụ trọng tâm của tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó hướng tới tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, Việt Nam sẽ cần lưu ý những gì?

Mời quý vị theo dõi phần trao đổi giữa phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với bà Michele Wee - Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế… Theo bà, điều này sẽ giúp hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới?”

Bà MICHELE WEE, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Standard Chartered hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã thông qua chương trình này, bởi nó thể hiện sự quyết tâm hướng đến 1 tương lai bền vững. Và là 1 nền kinh tế đang phát triển, chiến lược tăng trưởng xanh sẽ giúp hỗ trợ Việt Nam rất nhiều, đặc biệt trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường đang được thế giới đón nhận, và đây chính là cơ hội cho Việt Nam trong việc gia tăng sự cạnh tranh trong dài hạn, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu tới các nền kinh tế phát triển, nơi có những quy định và luật pháp chặt chẽ. Nhìn chung, chiến lược tăng trưởng xanh sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thu hút các khoản đầu tư có chất lượng và có trách nhiệm, từ đó hướng đến tăng trưởng bền vững.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Vậy Việt Nam cần lưu ý gì trong quá trình phục hồi tăng trưởng sau dịch Covid-19, cũng như hướng đến tăng trưởng xanh?”

Bà MICHELE WEE, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Khi nhắc đến tăng trưởng xanh, tôi nghĩ điều mà chúng ta muốn nhấn mạnh, đó là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và tạo ra các cơ hội thu nhập. Đồng thời, tách tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ tài nguyên, suy thoái môi trường và phát thải khí nhà kính. Do đó, cần có nhiều điều kiện khác nhau ở cấp độ doanh nghiệp và chính sách để thay đổi hành vi theo hướng sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường. Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa tất cả các ngành kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và tăng cường khả năng phục hồi trong quá trình chuyển đổi xanh. Điều quan trọng là các nguồn lực liên quan cả từ khu vực công và tư nhân phải được huy động một cách hiệu quả để hỗ trợ chương trình nghị sự tăng trưởng xanh. Ví dụ, Việt Nam đặt mục tiêu nâng các nguồn năng lượng tái tạo lên 15-20% tổng nguồn cung năng lượng vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045, thì điều cần lưu ý là phải có nguồn tài chính đủ để đáp ứng được những mục tiêu đó.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Bà có thể chia sẻ về những chính sách cũng như sự hỗ trợ của Standard Chartered đối với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam?”

Bà MICHELE WEE, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Chúng tôi đánh giá rất cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam bởi đất nước các bạn đã và đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do lớn, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là Việt Nam có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bởi đây là những yếu tố quyết định đến các khoản đầu tư vào thị trường Việt Nam. Và tăng trưởng xanh, tài chính xanh trong bối cảnh hiện nay chính là 1 hướng phát triển mới, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Và như tôi đề cập, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của tăng trưởng xanh, tài chính xanh, thì sự phối hợp giữa Chính phủ và các tổ chức tài chính là rất quan trọng. Chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức trong khả năng của mình. Chúng tôi có nguồn quỹ 350 tỷ USD tài trợ cho các dự án xanh, và điều mà chúng tôi quan tâm đó là làm sao phân bổ nguồn tiền này đúng và trúng nhất. Và thực tế, chúng tôi đã ký kết các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: Cảm ơn bà đã tham gia chương trình!

Lê Hương