Sửa đổi Luật Tổ chức Toà án nhân dân

Tiếp tục phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay 18/9 các đại biểu đã cho ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập. Trong đó, đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung quy định về nội hàm “quyền tư pháp”; bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho tòa án, đó là:  Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật; và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Dự thảo luật không quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính khả thi và nguồn lực thực hiện một số quy định, nhất là nội dung mới, chính sách mới được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm thi hành. Liên quan đến quy định về nội hàm “quyền tư pháp”, vẫn còn có 2 loại ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đây là vấn đề lớn, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án và các cơ quan tư pháp khác; chưa nên quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo luật, mà chỉ nên quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp. Loại ý kiến thứ hai, tán thành cần quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo luật, vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam