Suy dinh dưỡng trong bệnh viện hiện đáng báo động hơn suy dinh dưỡng trong cộng đồng

Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phát biểu góp ý kiến tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật trình tại kỳ họp lần này.

Đại biểu cho biết, tại Khoản 1, Điều 67 có quy định dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng. Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 67 của dự thảo luật đang quy định về nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh được mô tả lại không bao gồm việc chỉ định điều trị, can thiệp điều trị hiện nay.

Theo đại biểu, suy dinh dưỡng trong cộng đồng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thể chất người Việt Nam nhưng suy dinh dưỡng trong bệnh viện còn đáng báo động hơn rất nhiều. Theo thống kê nghiên cứu từ các bệnh viện trong nước, suy dinh dưỡng trong bệnh viện trong nước hiện chiếm từ 40-50%, gặp cả người trưởng thành và trẻ em.

Đại biểu cho biết, theo hướng dẫn của thông lệ quốc tế, dinh dưỡng lâm sàng là tổng hợp các hoạt động khám, đánh giá, chẩn đoán, chỉ định điều trị, can thiệp, điều trị, theo dõi tiên lượng về dinh dưỡng người bệnh… áp dụng các bệnh viện từ trên 20 năm nay tại Việt Nam. Khi chưa có quy định nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì hoạt động dinh dưỡng lâm sàng, trong đó có chỉ định chế độ ăn cho người bệnh được quy định tại Quy chế hoạt động khoa dinh dưỡng bệnh viện do Bộ Y tế quy định và ban hành năm 1997 và gần đây nhất Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện bao gồm đầy đủ các hoạt động cũng như công việc của một người cán bộ dinh dưỡng.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số