• 1068 lượt xem
  • 20:02 28/08/2022
  • Kinh tế

Tái canh cây cà phê giúp xoá nghèo bền vững

Cây cà phê là một loại cây chủ lực ở Tây Nguyên, nhưng do được trồng từ lâu và giống cây chưa đạt chuẩn nên đem lại hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong những năm qua chủ trương hỗ trợ người dân tái canh cây cà phê đã dần giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định và đặc biệt giúp cho việc xoá đói giảm nghèo được bền vững hơn.

Với diện tích lên đến gần 700.000 ha, cà phê là loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu chính cho bà con nông dân khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu mà cà phê mang lại vẫn đang ở mức thấp so với các nước xuất khẩu cà phê trong khu vực và trên thế giới. Chính vì thế, thời gian qua, các địa phương tại Tây Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho cây cà phê.

Sau 10 năm thực hiện tái canh theo hình thức cuốn chiếu, 300 ha cà phê của Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng Thuận An, tại tỉnh Đắk Nông… đã bước vào thời kỳ kinh doanh với năng suất bình quân đạt đến 5 tấn cà phê nhân/ha. Không chỉ vượt trội về năng suất, mà chất lượng hạt cà phê cũng cao hơn, đảm bảo các yêu cầu khi xuất khẩu.

Ông NGUYỄN HỮU HẠ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An, Đắk Nông: “Cà phê hái nhanh hơn, lợi công hơn, năng suất hơn so với giống cũ. 2 năm nay tôi cũng tìm hiểu và gửi mẫu qua Nhật và họ đã chấp nhận sản phẩm cà phê dây, cà phê chất lượng cao qua thị trường của họ.”

Điều đáng mừng là hầu hết vườn cà phê sau khi tái canh đều cho thấy những ưu điểm vượt trội so với các giống cũ trước đây. Bà con nông dân ai nấy phấn khởi khi năng suất và chất lượng đều tăng, giúp cho thu nhập được cải thiển đáng kể. Nhờ tái canh cà phê mà gia đình nhà anh Viễn Văn Ninh ở huyện Di Linh tỉnh Lâm đồng đã có năng suất tăng gấp đôi trước đây.

Ông VIỄN VĂN NINH, Xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng: “Cà phê trước kia già cỗi quá, mình quyết định phải thực hiện tái canh đồng loạt để mà làm lại. Giống mới này mình thấy rất hài lòng, ưng ý”.

Ông PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Sản xuất cà phê những năm qua, đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chương trình ghép cải tạo cà phê, nên cà phê Di linh có năng suất và giá bán cao nhất của Lâm Đồng. Những năm gần đây, lại tiếp cận đa canh đa cây, trên 1 đơn vị diện tích, nên người nông dân tiến hành trồng xen các loại cây ăn mắc ca, cây bơ, đã góp phần thu nhập bình quân trên 1 ha là 160 triệu đồng lên tới 300 triệu đồng.” 

Đẩy mạnh thực hiện tái canh cây cà phê, trong đó tập trung lựa chọn các giống mới, với nhiều ưu điểm vượt trội so với giống cũ chính là giải pháp mà hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đang chú trọng triển khai, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, cũng như chất lượng cho sản phẩm cà phê, qua đó, giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo tại Tây Nguyên được bền vững hơn. 

Duy Hòa