Thông qua dự thảo Nghị quyết chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/3 đã xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9. Nghị quyết nêu rõ, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.

Theo nội dung Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu. Tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.

Cho ý kiến vào Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị khắc phục ngay tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên biên giới; đẩy nhanh việc chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra để xử lý nghiêm những vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tôi đề nghị ở đây phải bổ sung: có chính sách, giải pháp, để giải quyết tình trạng ùn ứ, nhất là hàng nông sản, tại các cửa khẩu và đẩy nhanh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với lộ trình thực hiện cụ thể. Cử tri quan tâm nhất là thực hiện chuyện này. Chủ đề chúng ta đặt ra cũng là giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản. Bộ Công Thương và Chính phủ phải tập trung làm việc này, tránh (chuyện) giao thiệp thì người ta mở, không giao thiệp thì người ta đóng, hay hôm trước mở, hôm sau đóng. Thế bao giờ mới làm được (xuất khẩu) chính ngạch? Có phải dễ, nói là làm (được ngay) chính ngạch đâu".

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Thấy có vấn đề là chống tiêu cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Vừa qua có hiện tượng này. Bên cạnh việc ùn tắc do chính sách thì có hiện tượng tiêu cực. Chúng ta có thể quan tâm hơn”. 

Trong nhóm biện pháp giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai có đặt vấn đề về tình trạng thoái hóa đất, đặc biệt thoái hóa đất nông nghiệp, việc sử dụng phân bón không hướng tới phục hồi đất tạo ra sự không ổn định và bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp

Ông Y THANH HÀ NIÊ K'ĐĂM - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Khi có chính sách hỗ trợ về việc mua sản phẩm này, mua đầu vào. Nếu không, đối với các sản phẩm này như phân bón hay các thuốc bảo vệ thực vật nếu mà sinh học, công nghệ xanh mà giá cả rất đắt và người nông dân rất khó mua, nhất là ở các vùng (sản xuất nông nghiệp) ở các vùng đồng bào thiểu số, miền núi. Tôi đề nghị, đã đưa vào, cần có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy công tác. Tuyên truyền, gắn với kiểm tra thực hiện cái này".

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành.

Anh Đức