Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Giải đáp cặn kẽ từng băn khoăn, nhận về sự hài lòng

Sáng 29/05, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 đã diễn ra tại trụ sở Tỉnh ủy Sơn La. Hội nghị được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với trên 500 đại biểu trực tiếp và kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu trên toàn quốc.

Tại Hội nghị đã ghi nhận có nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất với những nội dung như: Nông dân gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 vì thiếu nguồn vốn; việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến duy trì canh tác, sản xuất; việc đào tạo nghề nông thôn để lao động địa phương “ly nông không ly hương”; việc khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng làm nảy sinh tình trạng tín dụng đen...

Ông LÊ QUANG THẮNG, Đại biểu tỉnh Quảng Ninh: “Đề nghị Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để trong thời gian tới nông dân thực sự được vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản để đảm bảo, phù hợp với quy định hiện hành? Đồng thời các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân cũng được có chính sách vay vốn ưu đãi như nông dân”

Về nội dung này, được sự ủy quyền của Thủ tướng, ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết trong 10 năm qua Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định tạo cơ chế vay vốn cho nông thôn, giao quyền tự quyết cho các ngân hàng. 

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Vay tài sản thế chấp hay không cần tài sản thế chấp là quyền của các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm cung ứng vốn trong lĩnh vực ưu tiên phải tạo thuận lợi”. 

Trước hội nghị đối thoại đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp khắp mọi niềm của tổ quốc gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, người đứng đầu Chính phủ và đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã lần lượt tiếp thu, giải đáp cặn kẽ từng câu hỏi, băn khoăn của bà con.

Ông MÙA NHÈ DI, Đại biểu tỉnh Sơn La: “Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng đã trả lời rất rõ nét. Tôi rất hài lòng vì nó thực tế, phù hợp với địa phương.”

Bà HOÀNG THỊ LAN HƯƠNG, Đại biểu tỉnh Thanh Hóa: “Những giải pháp mà Thủ tướng cũng như các Bộ, ban, ngành đưa ra tôi thấy rất sát thực. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19 này chúng ta nhìn ra một vấn đề quan trọng. Đó là giúp người dân ứng dụng công nghệ cao và sản xuất cũng như việc đưa hàng hóa ra thị trường."

Cùng với đề xuất của đại diện nông dân, các doanh nghiệp tham gia đối thoại cũng bày tỏ quan điểm, bên cạnh hoạt động đồng hành cùng người nông dân, cần thiết có chính sách phù hợp, thích ứng. 

Bà THÁI HƯƠNG, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH: “Không ai giỏi bằng người nông dân làm nông nghệp. Để nông nghiệp thành hàng hoá, kế thừa và thừa hưởng thành tưụ khoa học công nghệ ấy ta cần có bộ chính sách thích ứng cho từng ngành nghề, từng thời điểm.”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho biết sắp tới sẽ ban hành 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết tiếp tục đổi mới hoàn thiện các chính sách về nâng cao hiểu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng đất; Nghị quyết về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn  đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.  

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH: “Trong khuôn khổ thời gian có hạn, chúng ta còn nhiều vấn đề chưa được nêu và thảo luận sôi nổi tại Hội nghị này. Tôi đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc tình hình thực tiễn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân. Nhất là những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, những vấn đề bức xúc để giải quyết phù hợp, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và chủ trương đường lối của Đảng. 

Thông qua hội nghị, các Hợp tác xã, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và nông dân cả nước mong muốn các chủ trương, quyết sách của Chính phủ sẽ giúp họ có hướng đi hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

Sơn Nam