Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher

Chiều nay (8/12), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình và không ngừng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tiếp tục đầu tư trong các lĩnh vực nước này có thế mạnh như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo,... Đặc biệt, Việt Nam mong muốn Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Pháp trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Pháp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher khẳng định, Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp và nước này sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, trong đó Pháp luôn ủng hộ quan điểm hợp tác kinh tế giữa 2 nước là trung tâm, là trụ cột quan trọng.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cho biết sẽ có các cuộc trao đổi với lãnh đạo các cơ quan chức năng của Pháp để thúc đẩy tiến trình phê chuẩn EVIPA; ủng hộ, thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác, ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trên cả khía cạnh song phương và đa phương để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; hai bên chia sẻ quan điểm cần bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, việc giải quyết các tranh chấp phải bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).