Tiếp tục lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới

Những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, những tuyến đường bê tông được mở rộng, trải dài đến từng xóm, làng. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa các khu dân cư được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đó là diện mạo nông thôn mới ở Thanh Hóa những năm gần đây.

Tại xã nông thôn mới Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa, diện mạo nông thôn mới không chỉ thay đổi cơ sở hạ tầng mà đời sống người dân cũng ngày càng được nâng cao. Để đạt được thành quả này, xã đã đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nghề truyền thống là đúc đồng đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.

Còn tại xã thuần nông Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Hoa Lộc đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trở thành hình mẫu tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Làng quê nông thôn mới ở Hoa Lộc hôm nay được hiện hữu với những dãy nhà cao tầng khang trang, hệ thống hạ tầng đồng bộ, những con đường đất bụi bặm trước kia nay đã được bê tông hoá hoàn toàn, rất thuận lợi cho nhân dân sản xuất và đi lại. Mới đây nhất, tuyến đường liên thôn thông minh dài hơn 700m được đưa vào sử dụng khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi.
 
Phấn đấu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2023, ngay từ đầu năm, huyện Hậu Lộc đã xây dựng kế hoạch, xây dựng lộ trình từng tiêu chí cụ thể, dùng ngân sách huyện cùng nguồn hỗ trợ của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các hạng mục còn thiếu như tiêu chí về trường học, giao thông, môi trường, giao thông thủy lợi để đầu tư nâng cấp… Hiện các tiêu chí của huyện Hậu Lộc đã cơ bản hoàn thành.

Đây là năm thứ 2 tỉnh Thanh Hóa cùng cả nước triển khai Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 với nhiều nội dung nâng cao hơn. Rút kinh nghiệm năm trước, Ban chỉ đạo các cấp đã sớm lựa chọn những đơn vị, địa phương có đủ điều kiện, tiềm năng để xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện. Trong đó tập trung vào những tiêu chí khó, trọng tâm như: phát triển sản xuất, tăng thu nhập... từ đó xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế mới; phát triển ngành nghề nông thôn.

Hiện tỉnh Thanh Hóa còn 119 các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 104 xã miền núi, địa bàn khó khăn.Với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, vượt qua mọi khó khăn, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 1 huyện, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8 xã và 60 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

 

Hà Lan