Tiêu điểm: 15 năm mở rộng Thủ đô: Tầm vóc mới, diện mạo mới

Hôm nay 1/8, tròn 15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa 12. Sau 15 năm, diện mạo Thủ đô đã thay đổi thế nào? Hãy cũng chúng tôi nhìn lại qua những con số biết nói.

Nếu như 2008, trước khi hợp nhất, Thủ đô Hà Nội chỉ gồm 29 quận, huyện, thị xã. Thì sau khi QH ban hành nghị quyết, thủ đô Hà Nội được mở rộng ra, bao gồm: Hà Nội cũ, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).  

Sau khi mở rộng, Thủ đô Hà Nội có quỹ đất rộng gấp 3 lần diện tích cũ, với hơn 3.300 km2. Với diện tích này, Hà Nội nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới. Diện tích mở rộng hơn, đây là điều kiện tốt để di dời các trụ sở, trường học, cơ sở ý tế ra khỏi nội đô… Dù việc di dời này chưa thực hiện được như mục tiêu mong muốn, nhưng quá trình đó đang diễn ra. Và dân số thủ đô cũng tăng gần 1,4 lần, từ 6,2 triệu người (năm 2008) lên 8,6 triệu người (năm 2023). 

Về kinh tế, có thể cảm nhận được sự đi lên về nhiều mặt của thủ đô, không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Xin nêu một vài con số để so sánh.

Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 58 tỷ USD, gần gấp đôi so với trước mở rộng. Còn đóng góp GRDP là 12,59%. Giai đoạn 2011 - 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 6,67%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của TP đạt 141,8 triệu đồng trong năm 2022, gấp hơn 3,5 lần năm 2008. Điều này đồng nghĩa với việc đời sống người dân được cải thiện, nâng cao. 

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có cả đô thị và một vùng nông thôn rộng lớn. Từ đó, vấn đề nông thôn mới và phát triển đồng đều đã được Hà Nội tập trung nhiều nguồn lực. Những nỗ lực đó đã được thể hiện qua việc: 100% xã đạt nông thôn mới, trong đó có hơn 130 xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, dẫn đầu cả nước. 

Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, trước kia vốn là xã nghèo, phần lớn diện tích đất bỏ hoang, người dân chủ yếu sống nhờ trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập vào Hà Nội, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì thu nhập người dân tăng mạnh lên 60 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2022, Mê Linh được công nhận là huyện nông thôn mới.

Trong 100 xã đạt nông thôn mới của Hà Nội, tỷ lệ xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu dẫn đầu cả nước. Để đạt được kết quả đó, một mặt là sự đồng lòng, nhất trí của người dân. Mặt khác là sự đầu tư có trọng điểm của chính quyền thành phố vào mô hình kinh tế nông nghiệp nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững.

Sau khi sáp nhập vào Hà Nội, không chỉ có sinh kế ổn định, thu nhập cải thiện, mà đời sống tinh thần của người dân khu vực nông thôn cũng được nâng lên đáng kể.

Các con đường xanh – sạch – đẹp được điểm tô bằng những bức họa như thế này đã trở thành nét đặc trưng của các xã tại huyện Đan Phượng. Diện mạo nông thôn Thủ đô đã và đang thay đổi từng ngày theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống người dân được nâng lên để khu vực nông thôn thực sự trở thành những miền quê đáng sống…

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!