Tiêu điểm: Nhanh chóng xây dựng cơ chế thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu

Thực tế nhiều nước chạy đua bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư, thay vì tập trung vào yếu tố chủ chốt, là xây dựng môi trường kinh doanh. Thế nhưng cuộc đua này giống như một trò chơi mà tất cả các nước thành viên tham gia đều thua cuộc.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với Chính phủ các nước về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên trong 2 năm, sẽ phải đóng thuế 15% bắt đầu từ năm 2024, dù ở bất kỳ quốc gia nào. Đến nay, đã có hơn 140 quốc gia đồng thuận với cải cách thuế này, trong đó có rất nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam.

Cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế đã và đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi chuyển giá, trốn thuế. Tham chiếu kinh nghiệm quốc tế ở một số nước phát triển, thay vì miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì các quốc gia này có xu hướng áp dụng ưu đãi dựa trên chi phí.

Rất nhiều thông điệp và giải pháp đã được các Bộ, ngành, nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra. Tuy nhiên, việc ban hành bất cứ chính sách hoặc cơ chế mới nào cũng cần đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia. Xem xét xây dựng chính sách Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác, cũng là một biện pháp mà Chính phủ cần lưu tâm trong thời gian tới.

Thùy Trang