Tổng cục Thống kê: Rất khó để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội

Năm 2022, Quốc hội phê duyệt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Tuy nhiên đây là một thử thách không dễ dàng, thậm chí hiện nay áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn do phải chịu tác động của việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới. Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê về kinh tế - xã hội quý 1/2022 vừa được Tổng cục thống kê tổ chức sáng 29/03.

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cộng thêm tình hình kinh tế chính trị thế giới biến động khó lường, bức tranh kinh tế-xã hội trong quý 1 của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực. GDP quý 1/222 đạt 5,03%, xuất siêu đạt 809 triệu USD, đồng thời số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh gần 90%....Tuy nhiên, đề cập tới những yếu tố bất lợi làm gia tăng áp lực lạm phát, theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới nên áp lực lạm phát sẽ đến ở cả phía cung và phía cầu. Nhất là ở thời điểm hiện tại, lạm phát sẽ chịu thêm tác động kép của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển.

Bà NGUYỄN THU OANH, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê: “Chúng tôi đánh giá áp lực lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra là không đơn giản. Chúng tôi khuyến nghị một số giải pháp như sau: Các địa phương cần nhận định mặt hang nào có khản ăng thiếu hụt tạm thời hoặc dài hạn, công tác dự báo nâng cao trong thời gian tới.Thời điểm này là thời điểm áp lực lạm phát rất cao vì vậy không nên điều chỉnh giá các mặt hàng dịch vụ y tế hay giáo dục mà nhà nước đề ra. Thứ 2 là giá xăng, chúng ta có thể hiểu giờ 1 ngày không có xăng thì hoạt động sản xuất đình trệ thế nào. Vì vậy tôi đề nghị dù thế giới có tăng cao như thế nào thì trong nước vẫn phải đảm bảo nguồn cung.”

Toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam quí 1/2022 có khá nhiều điểm sáng cho thấy kinh tế đang dần hồi phục với hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu đã dần khơi thông. Tuy nhiên phân tích rõ hơn về mục tiêu kiểm soát lạm phát theo yêu cầu của Quốc hội, Tổng cục Thống kê cho rằng, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Cùng với đó, giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, khiến nguy cơ lạm phát hiện hữu. Việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay, nhưng cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát.

Thùy Trang -