Trái phiếu doanh nghiệp - Không vì bị lợi dụng mà làm ngưng trệ thị trường

Trái phiếu doanh nghiệp đã có những biến dạng nhất định trong thời gian qua, nhưng vẫn được đánh giá là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả thay cho vốn từ tín dụng. Trước nguy cơ đáo hạn thanh toán trái phiếu đã phát hành, Chính phủ cần sớm có những quy định sửa đổi, thay thế Nghị định 153 để giúp các doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn này.

Đến hết tháng 6, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành gần 258.000 tỷ đồng. Sau nhiều tháng trầm lắng, trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trở lại. Cả nước có 241 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, chiếm 94,5% so với tổng khối lượng phát hành.

Ông HOÀNG CÔNG TUẤN, Kinh tế trưởng Công ty CP chứng khoán MBS: “Sau động thái này, thị trường trái phiếu sẽ tự điều chỉnh, bản thân các doanh nghiệp muốn phát hành phải tự điều chỉnh mức độ phát hành của mình. Các nhà đầu tư cũng có trách nhiệm hơn trong việc đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Từ đó có thị trường trái phiếu lành mạnh”.

Chỉ trong tháng 6/2022, lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với 44 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, giá trị 30.120 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị. Kế đến, doanh nghiệp bất động sản  cũng tiếp tục phát hành trái phiếu huy động trong bối cảnh room tín dụng không còn và khát dòng vốn cho các dự án còn dang dở.

Ông HOÀNG CÔNG TUẤN, Kinh tế trưởng Công ty CP chứng khoán MBS: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh thời gian qua, trên 30%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh dẫn vốn rất quan trọng của nền kinh tế. Và tôi ủng hộ quan điểm nên tạo điều kiện để thị trường trái phiếu phát triển.”

Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH, Đại biểu Quốc hội: “Không vì bị lợi dụng mà chúng ta làm ngưng trệ thị trường này, chấn chỉnh để phát triển tiếp, công khai minh bạch, quản lý phù hợp. Điểm nữa lưu ý là trái phiếu doanh nghiệp thường phát hành qua ngân hàng thương mại, đừng gây nhầm lẫn người dân là trái phiếu đó được ngân hàng bảo lãnh.”

Các chuyên gia đánh giá, với tốc độ tăng trưởng thị trường hiện nay, đến năm 2028, trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng lên mức 12 triệu tỷ đồng. Và trái phiếu là nguồn có thể thay thế vốn trung, dài hạn thay cho tín dụng.

Ông HOÀNG CÔNG TUẤN, Kinh tế trưởng Công ty CP chứng khoán MB: Kênh tín dụng luôn là kênh hỗ trợ ngắn hạn, còn trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán mới là nguồn vốn ổn định lâu dài. Góc nhìn tôi là Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước duy trì hỗ trợ, khuyến khích kênh trái phiếu doanh nghiệp phát triển”

Với khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đang có trên thị trường, thanh khoản và thời gian đáo hạn… trong quản lý, vận hành, các cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh kịp thời, không để vỡ nợ trái phiếu, có thể dẫn đến đổ vỡ thị trường, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Giải pháp tốt nhất là sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Các quy định sẽ theo hướng chặt chẽ hơn, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả.

Nguyễn Sơn