Trăn trở gìn giữ ngôn ngữ dân tộc Bố Y, Hà Giang

Ngôn ngữ là một trong những thành tố được nhắc đến trong định nghĩa về di sản văn hoá. Gìn giữ ngôn ngữ chính là gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Trải qua quá trình phát triển kinh tế, khi tiếng Kinh trở thành ngôn ngữ chiếm ưu thế trên cả 3 miền đất nước thì việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ riêng của các dân tộc cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là với đồng bào dân tộc ít người.

Chỉ còn ít ngày nữa là khai giảng năm học mới, Ông Cao và bà Liên – những nghệ nhân dân gian còn sót lại của dân tộc Bố Y tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, lại tất bật chuẩn bị các bài hát dân gian qua nhiều thế hệ, để kịp lên lớp giảng dạy cho các em nhỏ Bố Y theo chương trình Bảo tồn ngôn ngữ bằng hình thức truyền khẩu mà huyện và xã đề ra.

Ông LỘC ĐỨC CAO – Thôn Nậm Nương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Bài hát của dân tộc Bố Y hiện tại còn rất nhiều, đa dạng lắm, ví dụ như bài hát đơn ca, giao duyên, bài hát dựng nhà , hát đối….,rất phổ biến về cái hát của dân tộc, và bây giờ đang dần dần để triển khai dạy cho các cháu để mai sau các cháu còn gìn giữ được nét văn hoá của dân tộc.”

Các bài hát của dân tộc Bố Y này cũng phải có vài chục bài hát, tuy nhiên theo chia sẻ của những nghệ nhân dân gian thì hiện cũng chỉ còn 2-3 người ở thế hệ như ông Cao, bà Liên mới có thể hát được. Điều này đồng nghĩa là ngôn ngữ của người Bố Y tại Quản Bà, Hà Giang đang có nguy cơ biến mất, nếu không có những kế hoạch bảo tồn ngôn ngữ một cách bài bản.

Ông TRÁNG TỈ MINH – Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Với cấp uỷ chính quyền xã thì cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới và cũng nhờ tới một số nghệ nhân dân gian của dân tộc Bố Y vào các trường để truyền dạy cho các cháu để giữ lại được nét văn hoá của dân tộc mình.”

Bà LỘC THỊ LIÊN – Thôn Nậm Nương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Lúc nghệ nhân đi vào giảng dạy thì các em nói được rất ít, chủ yếu tiếng phổ thông. Qua một thời gian đào tạo thì các em học sinh cũng đã biết được và cũng tham gia được các lễ hội.”

Khi mà chương trình giáo dục hiện nay chủ yếu bằng tiếng phổ thông thì có lẽ việc đưa phương pháp truyền khẩu vào lớp học của hai nghệ nhân này cũng có thể coi là một bước tiến trong việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế thì tiếng phổ thông hiện đã len lỏi vào trong tất cả những hoạt động hàng ngày của các em nhỏ chứ không chỉ riêng thời gian trên lớp, dường như nỗi trăn trở về việc gìn giữ ngôn ngữ vẫn luôn hiện hữu nếu chỉ dựa vào giải pháp truyền khẩu như người Bố Y đang làm hiện nay.

Bà LỘC THỊ LIÊN – Thôn Nậm Nương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Tiếng Bố Y hiện nay tôi rất là băn khoăn, trẻ thì đi vào lớp học tiếng phổ thông hết, thời gian ở nhà rất ít và tôi sợ rằng các cháu không biết tiếng của mình, nếu như tôi còn khoẻ thì tôi cũng cố gắng để truyền dạy được nhiều lớp nhất.”

Anh Thư