Trẻ em tránh hoạt động thể lực mạnh sau tiêm vaccine phòng Covid-19

Vaccine Covid-19 đã và đang triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là đối tượng khá nhạy cảm do độ tuổi còn nhỏ. Thực tế, thời điểm này, không ít phụ huynh vẫn lo lắng về việc chăm sóc, bảo đảm an toàn tiêm chủng cho con. Vậy các bậc cha mẹ cần làm gì trước, trong và cả sau khi tiêm chủng?

Ghi nhận tại nhiều điểm tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn Thành phố Hà Nội những ngày qua, trẻ ở độ tuổi này thường có tâm lý sợ tiêm. Vì vậy, trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine, phụ huynh cần động viên kịp thời. Ngoài ra, người giám hộ cũng cần tư vấn để trẻ ổn định về mặt tâm lý, trong và sau khi tiêm. Phụ huynh chỉ nên đưa trẻ đi tiêm khi các con thực sự khỏe mạnh.

Cháu Nguyễn Hồng Vân, Học sinh lớp 6E, Trường THCS Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội: “Lúc đầu con có hơi lo lắng nhưng sau đấy được các y bác sĩ và bố mẹ chỉ dẫn nên con đã bớt lo lắng hơn. Con hiểu được nếu mình tiêm xong rồi mà mắc Covid thì bệnh sẽ nhẹ hơn ạ.”

Sau tiêm, cha mẹ cần ở lại ít nhất 30 phút cùng trẻ để động viên tâm lý, theo dõi phản ứng sau tiêm và báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con trước khi ra về. Trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, gia đình cần theo giám sát 24/24h nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường như sốt cao, phát ban, khó thở, tím tái hoặc mệt mỏi, li bì. 

PGS. TS DƯƠNG THỊ HỒNG, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Lo ngại nhất đó là phản ứng phản vệ mà phản ứng này cần được phát hiện xử trí kịp thời thì chúng ta sẽ vượt qua được tai biến. Thế nên, các bà mẹ đừng vội vàng. Sau khi tiêm nếu có biểu hiện thông thường, sau đó tăng lên và mức độ trầm trọng hơn thì ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở gần nhất để được xử trí kịp thời.”

Theo các chuyên gia y tế, có 4 mốc thời gian quan trọng để theo dõi trẻ sau tiêm chủng gồm 30 phút, 24 giờ, 3 ngày và 28 ngày. Các mốc thời gian theo dõi này nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi tiêm vaccine. Ba ngày sau khi tiêm chủng, thầy cô và các bậc phụ huynh cần hạn chế không để trẻ vận động mạnh. Bởi hoạt động thể lực cũng có thể kích thích các phản ứng bất lợi sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ.

Bác sĩ LÊ KIẾN NGÃI, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Các cháu được khuyến cáo là tránh vận động mạnh. Do đó, tại các nhà trường thời điểm này, các hoạt động về thể lực, thể dục cho nhóm này chúng ta cũng hết sức lưu ý để làm sao trong vòng 3 ngày đầu chúng ta tránh hoạt động thể lực mạnh. Bởi vì hoạt động thể lực có thể làm chúng ta nhầm lẫn với các phản ứng, rồi các tai biến sau tiêm khác mà chúng ta có thể bỏ sót hoặc không theo dõi được.”

Thông thường, phản ứng xảy ra khoảng 4-8 tiếng sau tiêm vaccine, xu hướng giảm dần sau ngày đầu. Các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ gồm đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm... Cha mẹ cũng cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế nếu trẻ có phản ứng bất thường khác nằm ngoài khuyến cáo.

Đức Minh