Từng bước xây dựng thương hiệu thổ cẩm các dân tộc Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thổ cẩm là một trong những giá trị văn hóa tạo nên tính đặc trưng của từng dân tộc. Thổ cẩm không chỉ dùng làm trang phục, mà còn là sản phẩm dùng làm kỷ vật trong hôn nhân, tang lễ, trong sinh hoạt thường ngày và trong sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Để những tinh hoa văn hóa ấy không bị mai một bởi thời gian, các lớp dạy dệt thổ cẩm được mở ra và thu hút nhiều học viên. 

Lớp học dệt thổ cẩm tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông. Dưới ánh đèn nhỏ, các học viên đang được hướng dẫn các thao tác dệt. Đã ngoài 60, bà H’Jang là học viên lớn tuổi nhất. Dù tuổi cao, mắt đã kém, nhưng bà vẫn dành thời gian miệt mài bên khung cửi. Sau hơn 4 tuần, bà đã có thể dệt được các hoa văn đơn giản.

Học thổ cẩm đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người học, từng bước từ cơ bản đến nâng cao và ứng dụng thổ cẩm được truyền dạy cho học viên. Gác lại mệt mỏi của ngày lao động, các chị em tuổi từ 18- 30 lại tỉ mỉ, cần mẫn học dệt. Có chị vừa địu con vừa học.

Những lớp dệt thổ cẩm được mở ra sẽ giúp thế hệ sau hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình. Mới đây, tỉnh Đắk Nông cũng đã phê duyệt đề án bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023 – 2025. Qua đó, xây dựng thương hiệu thổ cẩm các dân tộc Đắk Nông để phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phúc Hân