Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Theo dõi sát rủi ro tín dụng và nguy cơ nợ xấu

Sáng 28/4, Uỷ ban Kinh tế tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 nhằm thẩm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và đánh giá tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực thì có một số chỉ tiêu không đạt dự kiến do bối cảnh tình hình thế giới trong nước, quốc tế diễn biến phức tạp.

Ba tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020-2021, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, giá đầu vào của nền kinh tế tăng cao, trong khi điều hành giá còn khó khăn, chỉ số CPI tăng 0,7% so với tháng trước, cao nhất từ năm 2012 đến nay, tạo áp lực lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu là vấn đề cần theo dõi sát để xử lý kịp thời. Hiện tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn Ngân sách nhà nước quý I đạt 11,88% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn trong nước đạt 12,66%.

Theo đánh giá, Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch bệnh, đây là cơ sở quan trọng để phục hồi kinh tế, nhưng đây cũng năm bản lề nếu không giải quyết những điểm nghẽn đang đặt ra. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá và dự báo chính xác hơn những rủi ro trực tiếp và gián tiếp, đánh giá sâu hơn ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga và Ukraine; đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất hơn. Đây là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế trong những năm tới.

Lê Quang