Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa dân tộc

Trong quá trình phát triển và hội nhập, bản sắc văn hóa các dân tộc đang dần mai một, giới trẻ ngày càng ít quan tâm về truyền thống của dân tộc mình. Trăn trở giữ gìn vốn quý của dân tộc, những nghệ nhân người dân tộc thiểu số vẫn luôn say mê sưu tầm, nghiên cứu, mong muốn truyền dạy cho thế hệ sau.

Bước sang tuổi 62, nhưng Nghệ nhân nhân dân Tẩn Vần Siệu vẫn luôn dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về chữ cổ Nôm Dao. Đặc biệt, để bảo tồn, gìn giữ nét đẹp ngôn ngữ của dân tộc, ông Siệu còn nhường cả ngôi nhà của mình để làm nơi dạy học, ăn ngủ cho học viên ở xa trong những ngày trời mưa rét.

Còn đối với nghệ nhân Cư Seo Phú, truyền dạy dân ca và điệu múa khèn của người Mông không chỉ đơn thuần chỉ là truyền dạy để thuần thục động tác, nghi thức dân gian mà còn là truyền lửa về tình yêu văn hóa, lòng tự hào về văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc có một kho tàng giá trị văn hóa độc đáo. Trong dòng chảy hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước những nguy cơ dần bị lãng quên. Bởi vậy, những nghệ nhân dân tộc thiểu số chính là những “ kho tàng sống” đóng vai trò quan trọng trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Giá trị văn hóa thể hiện sự trường tồn của mỗi dân tộc. Bởi vậy, các nghệ nhân dân tộc thiểu số - những người hiểu sâu sắc về văn hóa càng phải được quan tâm và dành nguồn lực hỗ trợ để họ phát huy niềm đam mê, tâm huyết truyền dạy văn hóa cho thế hệ tương lai.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!




Vũ Thắng -

Hồng Ngọc