Việt Nam đồng lòng tiến đến mục tiêu Net Zero

37 tỷ tấn là lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1900. Và Việt Nam hiện đang là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, với lượng phát thải khí CO2 tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Để hướng tới mục tiêu Net Zero (phát thải ròng khí nhà kính bằng 0) vào năm 2050, đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm phát thải, cần chuyển dịch ngay. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo: “Net Zero - Chuyển dịch xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu”, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 27/6.

Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình “chuyển đổi xanh” , đây không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn nhất để Việt Nam thực hiện cam kết Net Zero là vấn đề nguồn lực.

Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi Net Zero. Các ý kiến tại hội thảo khẳng định Net Zero không phải cuộc chơi cho "người giàu", mà là trách nhiệm của mỗi người, mỗi cá nhân.

Mặc dù có những hành động nhanh chóng, các doanh nghiệp cũng cần xác định hành trình hướng đến Net Zero sẽ mang tính lâu dài. Nhiều chiến lược lớn cần thay đổi và đầu tư, đặc biệt về quy trình, quản trị và con người.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi NSNN cho môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết!

 

Thùy Trang - Nhật Huy