Xác định mục tiêu lớn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia

Ngay sau lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2050. Đây là quy hoạch lần đầu được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch, quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030.

Quy hoạch tổng thể quốc gia được Chính phủ trình đã định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Gồm: các ngành sản xuất, kinh doanh; Dịch vụ, xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính; các ngành hạ tầng kỹ thuật; các ngành hạ tầng xã hội.

Chính phủ xác định, tầm nhìn đến 2050 nước ta là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.

Đối với định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia và phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn.

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định nhiệm vụ trọng tâm là cơ bản hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia,. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!