Xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm toàn quốc

Làm thế nào để vấn đề an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán có những chuyển biến tích cực? Đây là một trong những nội dung được bàn tới tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm; để tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 diễn ra vào sáng 3/1. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Trong năm 2023, ngành Y tế kiểm tra hơn 382 nghìn cơ sở, phát hiện trên 34 nghìn cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Ngành Nông nghiệp thanh tra trên 19 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1600 cơ sở. Ngành Công Thương kiểm tra hơn 8300 vụ, xử lý gần 7000 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Lực lượng cảnh sát môi trường Bộ Công an phát hiện, xử lý hơn 7000 vụ, khởi tố 33 vụ.

Trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2 nghìn người mắc và 28 trường hợp tử vong. Đáng chú ý xuất hiện ngộ độc do Clostridium Botulinum là loại độc tố rất hiếm gặp trước đây.

Trước thực trạng an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị cần tăng cường thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, với sức người có hạn, cùng với xu hướng tinh giản bộ máy hành chính, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường các giải pháp khác như ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức người tiêu dùng.

Đồng tình với việc cần nâng cao nhận thức cộng đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị truyền thông cùng vào cuộc, các đơn vị quản lý cập nhật các cách tiếp cận mới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm toàn quốc; lưu lại những cơ sở đã bị xử phạt hành chính và có biện pháp xử phạt nặng hơn nếu tái phạm. Từ đó, việc quản lý, xử phạt các vi phạm về an toàn thực phẩm dễ dàng hơn, có tính răn đe cao hơn. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh -

Tùng Dương