Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh phát triển rừng chống phát thải khí CO2

Một số nội dung của dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (gọi tắt là KfW8), nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đây là ghi nhận tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với UBND tỉnh Yên Bái về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đây là 1 trong những diện tích rừng trồng keo và cây bản địa thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 theo nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức, giai đoạn 2015 – 2021. Nhờ áp dụng phương thức trồng mới như tỉa thưa chọn lọc và trồng xen cây gỗ bản địa, đã nâng cao giá trị rừng trồng của các hộ dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải CO2…

Ông LÊ MẠNH CƯỜNG, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái: “Trước đây trồng phát trắng nên dọc nó khô, không có nước, tuy nhiên nhờ áp dụng phương thức trồng mới mà đất xốp, tôi làm nên biết chứ các hộ dân bỏ thì không đánh giá được.” 

Nhiều đại biểu cũng lo ngại tiến độ của dự án hợp phần, đa dạng sinh học này khi mới chỉ giải ngân vốn được hơn 30%.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Trong quá trình người dân tham gia có thể chưa được nhiệt tình do cơ chế khuyến khích đưa ra 1ha tặng sổ tiết kiệm 9 triệu, chu kỳ thu hoạch 2 năm thành 12 năm liệu đã đủ khuyến khích người dân hay chưa, khi người dân không hăng hái tham gia với tốc độ như này thì giải ngân hết năm 2022 e là không được.” 

Ông NGUYỄN THÁI BÌNH, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái: “Tỉnh Yên Bái cũng như các địa phương tham gia dự án đã có văn bản đề nghị Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như chính phủ điều chỉnh để thực hiện dự án. Tuy nhiên, Thủ tướng chính phủ chỉ quyết định là cho điều chỉnh kéo dài thực hiện dự án đến hết 2022, còn lại nếu chưa thực hiện được thì kết thúc dự án sẽ tổ chức triển khai thực hiện lập một dự án mới đối với số vốn còn lại.” 

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Yên Bái, các tỉnh triển khai dự án này cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là định mức hỗ trợ của dự án rất thấp, không hấp dẫn người dân tham gia và giá thu mua sản phẩm gỗ sau tỉa thưa thấp, gây khó khăn trong công tác trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà NGUYỄN GIANG THU, Phó Vụ trưởng Vụ KH,CN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Cơ chế tài chính phải tuân thủ theo nhà tài trợ, nếu khó khăn trong bán tỉa thưa thì chúng tôi sẽ có đề xuất với Tổng cục Lâm nghiệp.” 

Tại buổi giám sát thực địa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, đổi cách thức trồng rừng hiện nay nhằm tăng độ che phủ rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu của Yên Bái đang đi đúng mục tiêu. Để nâng cao năng lực ứng phó, Yên Bái cần huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động thu hút và mời gọi các dự án quốc tế liên quan đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu. 

Bích Hạnh