Alo cử tri: Lao động “mắc kẹt” do doanh nghiệp nợ BHXH, nợ lương kéo dài

Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex nợ đóng BHXH khiến gần 500 người lao động lâm vào cảnh mất quyền lợi, mất việc làm và gánh rất nhiều hệ lụy khác. Câu chuyện này đã trở thành một dẫn chứng điển hình về tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH kéo dài, dai dẳng. Sau 7 năm ròng rã đi đòi quyền lợi và trải qua nhiều đời lãnh đạo do quá trình công ty cổ phần hóa. Vừa qua, nhiều người đã nhận lại được số tiền mà đơn vị nợ đóng BHXH từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2017.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được giải quyết thấu đáo. Gần đây đường dây nóng Alo cử tri nhận được nhiều phản ánh của hàng chục lao động vẫn đang “mắc kẹt” do còn bị phía công ty nợ 9 tháng lương trong thời gian ra thông báo chờ việc. Ghi nhận của nhóm phóng viên Alo cử tri.

Nhiều lần đi xin việc bất thành…Người phụ nữ này phải làm các việc phụ để trang trải cuộc sống. 7 năm làm công nhân đứng máy phân xưởng Dệt công ty Haprosimex cũng từng ấy năm chị còn bị công ty nợ đóng BHXH mà không hề hay biết. Việc chưa chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ, nên cũng không có đơn vị mới nào chấp nhận tiếp nhận chị.

Nợ BHXH nên 3 lần sinh con, chưa một lần nhận được quyền lợi…Cách đó không xa, Bà Dung cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Công ty nợ đóng BHXH, nợ lương…tuổi già nhưng điểm tựa an sinh cũng không được đảm bảo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có khoảng hơn 50 công nhân của công ty vẫn đang bị nợ BHXH, bị nợ lương, đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc không được các quyền lợi từ bảo hiểm. Thì nhiều người còn trẻ, mặc dù có tay nghề cao; Nhưng do chưa hết ràng buộc với công ty cũ, nên cũng không thể tìm kiểm công việc mới ổn định.

Hơn 30 triệu đồng tương đương 9 tháng lương…với những công nhân công việc bấp bênh, không thu nhập thì là số tiền rất lớn để trang trải cuộc sống. Câu trả lời họ nhận được từ phía công ty là: Vấn đề nợ BHXH, nợ lương diễn ra trước thời kỳ công ty cổ phần hóa nên cũng khó giải quyết trọn vẹn. Quyết định không bỏ cuộc, nhiều công nhân vẫn tiếp tục kiến nghị gửi lên các cấp thẩm quyền cao hơn để đòi quyền lợi.

Như Thảo -

Tùng Dương