Áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, nên hay không?

Áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện - nên hay không? Đây là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi tại Hội thảo "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam” do đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Phó Chủ tịch Quốc Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội thảo.

Theo EVN, năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân là hơn 1.800 đồng/kWh. Còn giá thành mua điện từ các nhà máy điện là hơn 2.000 đồng/kWh. Do giá thành vượt quá giá bán nên năm 2022, EVN lỗ hơn 36.200 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh điện. 

Giá điện hiện nay được chia làm 2 loại: giá mua buôn và giá bán lẻ cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Trong khi giá mua buôn ở khâu phát điện đã theo thị trường cạnh tranh thì giá bán lẻ điện lại vẫn hoàn toàn do Nhà nước điều tiết.

Một số chuyên gia kiến nghị cần đưa giá bán lẻ điện thực sự theo thị trường. Có như vậy thì các dự án đầu tư điện mới đảm bảo được hiệu quả kinh tế, từ đó mới thu hút được vốn tái đầu tư.

Ngược lại với các ý kiến này, đại diện Bộ Công thương khẳng định việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước vẫn phải tiếp tục.

Kết luận hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định chính sách giá điện của Việt Nam thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống của người dân với giá cả hợp lý, trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là mục tiêu của Đoàn giám sát chuyên đề năng lượng được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Thanh Nga -

Trương Tùng