Báo cáo của Chính phủ: Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án còn thấp

Hôm nay 09/09, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 7 để thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, về công tác thi hành án năm 2022 và về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022;

Các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân và về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022; Các báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về công tác của ngành Toà án nhân dân và về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Toà án nhân dân năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, tổng số vụ phạm pháp về trật tự xã hội xảy ra giảm 9,75%, số người bị thương giảm 1,53%, thiệt hại về kinh tế giảm 18,12%. Tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng như giết người tăng 7,43%, vi phạm các quy định về quản lý đất đai tăng 64,29%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 36,24%. Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn biễn ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn nhiều sơ hở dẫn đến một số đối lượng lợi dụng để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Còn về tình hình tham nhũng năm 2022, Chính phủ đánh giá: “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế,ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn phức tạp”. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong giai đoạn điều tra, tuy nhiên trong giai đoạn thi hành án, tỷ lệ còn chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành bằng tiền. Cụ thể, số tiền phải thi hành là hơn 88.604 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 50.366 tỷ đồng, nhưng mới thi hành xong hơn 10.327 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 20,51%.

Thế Anh