Bảo vật quốc gia trong dân dần lộ diện

Tính từ năm 2012 tới nay nước ta đã có 11 đợt công bố Bảo vật Quốc gia và 265 cổ vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đáng chú ý, trong vòng hai năm trở lại đây, số lượng Bảo vật Quốc gia thuộc các nhà sưu tầm tư nhân có dấu hiệu tăng mạnh.

Điều này cho thấy, những thể chế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã cởi mở hơn trước rất nhiều, bắt đầu thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nhất là những nhà sưu tầm vốn đã có tiếng trong giới chơi cổ vật.

Đây là chiếc Trống đồng Kính Hoa 2 và Thạp đồng Kính Hoa, hai hiện vật thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Kính, TP Hà Nội, vừa được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2022. Như vậy, tính cả chiếc Trống đồng Kính Hoa I được công nhận năm 2020, ông Nguyễn Văn Kính đang sở hữu 3 Bảo vật Quốc gia.

Còn đây là 9 hiện vật trong Bộ sưu tập gốm sứ An Biên của ông Trần Đình Thăng, Hải Phòng, đã được Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2021. Tính thêm 6 hiện vật vừa được công nhận Bảo vật Quốc gia của năm 2022, ông Thăng đang giữ kỉ lục “người nắm giữ Bảo vật Quốc gia nhiều nhất”, tới 15 bảo vật.

Có thể khẳng định, việc số lượng bảo vật quốc gia tăng từ 1 lên con số 19 chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây đã phản ánh rất nhiều sự thay đổi trong lĩnh vực di sản. Cơ chế cởi mở hơn, người dân trách nhiệm hơn và danh hiệu Bảo vật Quốc gia cũng đã được lan toả rộng rãi hơn trong nhân dân.

Tín hiệu vui là có, tuy vậy việc tăng Bảo vật Quốc gia tư nhân cũng đã chỉ ra một thực tế cần lưu ý. 19 bảo vật quốc gia tư nhân nhưng lại chỉ thuộc sở hữu của 3 nhà sưu tập, trong khi giới chơi cổ vật ở nước ta khá nhộn nhịp với nhiều cái tên đã có danh từ lâu. Làm thế nào để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực này? Làm thế nào gỡ bỏ những vướng mắc, rào cản để bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân vẫn thụ hưởng đầy đủ những qui định về bảo tồn, phát huy giá trị như các bảo vật do Nhà nước quản lý? Có lẽ, Luật Di sản văn hoá được sửa đổi bổ sung trong thời gian tới không thể bỏ qua nội dung này.

Văn Thắng